Chile bất ngờ hủy đăng cai thượng đỉnh APEC, thỏa thuận Mỹ-Trung gặp khó
Ông Trump vốn dự kiến sẽ gặp ông Tập trong thượng đỉnh APEC ở Chile để ký thỏa thuận
Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump về ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp một trở ngại lớn khi Chile ngày 30/10 bất ngờ tuyên bố hủy đăng cai hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới - sự kiện mà lãnh đạo Mỹ-Trung dự kiến sẽ gặp nhau.
Theo hãng tin Bloomberg, tuyên bố hủy đăng cai thượng đỉnh APEC được Chile đưa ra trong bối cảnh bất ổn xã hội tiếp tục gây sóng gió ở thủ đô Santiago. Nhà Trắng có vẻ bất ngờ và lúng túng trước diễn biến này, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục cố gắng để thỏa thuận "giai đoạn 1" được ký kết sau vài tuần nữa.
Hiện chưa rõ giới chức Mỹ đã tìm được một địa điểm thay thế cho cuộc gặp giữa ông Trump với ông Tập hay chưa. Các nhà tổ chức thượng đỉnh APEC cũng chưa đưa ra được một địa điểm mới để tổ chức hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn.
Giới thạo tin nói rằng các nhà đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã tính đến chuyện tìm một địa điểm khác khi các cuộc biểu tình ở Chile leo thang. Tuy nhiên, việc Chile hủy đăng cai sự kiện vẫn khiến Mỹ ít nhiều rơi vào thế bị động.
"Chúng tôi vẫn đang tiến tới hoàn tất Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại lịch sử với Trung Quốc trong khung thời gian dự kiến, và khi nào có thông báo, chúng tôi sẽ thông báo", người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley cho biết trong một email.
Triển vọng về một cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ-Trung ở Santiago trong tháng 11 đã trở thành nhân tố quan trọng nâng đỡ chứng khoán Mỹ trong tháng 10. Chỉ số S&P 500 rớt xuống mức đáy của phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi có tin Chile hủy đăng cai thượng đỉnh APEC, nhưng vẫn lập mức kỷ lục mới khi đóng cửa nhờ động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
"Tôi vẫn chứ đinh ninh là ông Trump và ông Tập sẽ gặp nhau ở Chile", chiến lược gia Brendan McKenna thuộc Wells Fargo Securities phát biểu. "Nhưng nếu hai bên đã đạt được một thỏa thuận mà họ sẵn sàng ký kết, kiểu gì họ cũng tìm ra cách để ký".
Một số nhà phân tích cho rằng "trong cái rủi lại có cái may". Việc hoàn tất văn kiện thỏa thuận "giai đoạn 1" Mỹ-Trung để kịp ký kết vào ngày 16-17/11 tại thượng đỉnh ở Chile như dự kiến lúc đầu vốn được xem là gấp gáp. Bởi vậy, việc tìm một địa điểm mới sẽ giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian.
"Nếu hai bên thực sự muốn hoàn tất thỏa thuận ‘giai đoạn 1’, thì việc hủy thượng đỉnh APEC ở Chile chỉ là một vấn đề về hậu cần, chứ không ảnh hưởng gì đến thỏa thuận cả", chuyên gia Jude Blanchette thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nhận xét. "Nhưng nếu cả hai bên đều không cảm thấy rằng họ có thể ký một thỏa thuận vào giữa tháng này, việc hủy thượng đỉnh sẽ là một cái cớ để họ ‘câu giờ’".
Đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính, việc hủy thượng đỉnh APEC càng làm gia tăng sự bấp bênh vốn là nhân tố gây suy giảm đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. "Việc này có thể dẫn tới việc các cuộc đàm phán cấp thấp tiếp tục kéo dài mà không mang lại kết quả cụ thể gì", chuyên gia cấp cao Edward Alden thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở Washington phát biểu.
Thời gian qua, ông Trump luôn bày tỏ hy vọng rằng ông và ông Tập sẽ ký thỏa thuận ở Chile.
"Rủi ro ở đây là nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bị hoãn, thì chí ít sự bấp bênh do thương chiến gây ra sẽ kéo dài hơn", chuyên gia kinh tế trưởng Torsten Slok của ngân hàng Deutsche Bank nhận xét. "Điều này đặt ra nguy cơ chúng ta có thể sẽ không bao giờ được chứng kiến thỏa thuận ‘giai đoạn 2’ hay ‘giai đoạn 3’, và bởi thế sự bấp bênh sẽ tiếp tục bao trùm".