16:28 30/04/2011

Chính phủ: Chống lạm phát chưa cần giải pháp mới

Từ Nguyên

Chính phủ thống nhất chưa cần phải đưa ra giải pháp mới để chống lạm phát, ngoài những nội dung của Nghị quyết 11

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Văn Ninh chủ trì buổi họp báo chiều 29/4.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc và Vũ Văn Ninh chủ trì buổi họp báo chiều 29/4.
Dù lạm phát đang ở mức cao, song các thành viên Chính phủ đã thống nhất chưa cần phải đưa ra giải pháp mới, ngoài những nội dung của Nghị quyết 11.

Khẳng định trên của Thủ tướng được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh truyền đạt tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 29/4.

Chưa nới trần lãi suất huy động

Tại buổi họp báo trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng truyền đại lại kết luận của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ trước đó.

Cụ thể, Thủ tướng cho rằng, trong tháng 4 các bộ ngành, địa phương đã tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực, đã kiểm soát được tình hình, trong đó có thị trường tiền tệ, tài chính.

Các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận rằng, trên thị trường tiền tệ không còn tình trạng buông lỏng như trước đây, tỷ giá, ngoại tệ tự do... đang dần đi vào ổn định. Thống kê cho thấy thu ngân sách tăng, bội chi giảm, xuất khẩu tăng khá.
 
Với lĩnh vực tiền tệ, sau 4 tháng tăng trưởng tín dụng chỉ tăng trên 5% nên mục tiêu cả năm ở mức 20% là có thể kiềm chế được.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định, nền kinh tế vẫn đang phải đổi mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là giá cả, lãi suất cho vay vẫn cao khiến chi phí lớn, sản xuất khó khăn; nhập siêu còn cao, trong đó có nhiều mặt hàng xa xỉ vẫn được nhập về; đời sống nhân dân, nhất là người ăn lương, công nhân gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục theo dõi tình hình kinh tế thế giới, tiếp tục ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chưa cần phải có những giải pháp, những điều chỉnh mới. Đồng thời phải giữ được mức tăng trưởng cần thiết, có thể thấp hơn năm 2010 nhưng phải đảm bảo đời sống nhân dân.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, nguyên nhân của những tồn tại trên, trong đó nổi cộm là lạm phát tăng cao là do độ trễ của chính sách mà cụ thể là Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Giá tiêu dùng của tháng 4 có một đặc thù lớn bởi có nhiều yếu tố tác động vào, trong đó nổi trội là nhóm hàng về giao thông vận tải, ăn uống dịch vụ và nhóm nhà ở - vật liệu xây dựng, chiếm xấp xỉ 80% tỷ trọng tăng giá.

Bên cạnh đó, do vừa qua nhà điều hành phải thực hiện một số quyết định, được cho là không thể không làm, là tăng giá điện, xăng dầu..., khiến cho giá cả tháng 4 có đặc thù lờn khi mà giá của nhóm hàng hóa vận tải, ăn uống, nhà ở - vật liệu xây dựng tăng cao, chiếm gần 80% tỷ trọng tăng giá. Cùng với đó là tác động tâm lý cũng giữ vai trò lớn khiến giá nhiều mặt hàng bị đẩy lên.

Bộ trưởng Ninh cũng khẳng định, hiện kinh tế thế giới đang có triển vọng phục hồi, nhưng hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có lạm phát, giá cả hàng hóa, xăng dầu tăng mạnh đã khiến sản xuất kinh doanh trong nước vẫn tiếp tục còn khó khăn. Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi để có những giải pháp tháo gỡ.

Liên quan đến đề xuất sửa đổi, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân trong bối cảnh lạm pháp tăng cao, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, cần phải hiểu rõ ai là người phải nộp thuế và nộp ở mức nào.

Ông Ninh ví dụ: Nếu người độc thân thu nhập 5 triệu đồng/tháng, được trừ 4 triệu đồng thì khoản phải nộp chỉ là 5% của 1 triệu đồng còn lại, tức là chỉ phải nộp 50 nghìn đồng. Hoặc kể cả người có giảm trừ gia cảnh từ 1 - 2 người thì cũng chỉ nộp 50 nghìn đồng/tháng. "Không có chuyện người khó khăn phải nộp thuế".

Do đó, quan điểm của Bộ là phải xem xét cụ thể để làm sao thuế phải đúng đối tượng, còn chuyện có miễn giảm hay không thì Bộ, Chính phủ không thể quyết được vì điều này thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Liên quan đến hoạt động của thị trường tiền tệ̣, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho hay, với chủ trương của Nghị quyết 11 thì ngân hàng đã sử dụng một số giải pháp cần thiết để kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán. Nhưng để tránh những biến động bất lợi cho thị trường thì Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì thường xuyên hoạt động nghiệp vụ thị trường mở̉, chủ yếu cho mục tiêu thanh khoản ngắn hạn.
 
Đặc biệt, đối với vấn đề trần lãi suất huy động, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện có một số ý kiến đề xuất nên xem xét điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, cho dù có thông tin phản ánh một số ngân hàng thương mại vi phạm quy định trần lãi suất huy động, song đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề nới trần lãi suất huy động. Thay vào đó, cơ quan này sẽ tiếp tục xem xét, theo dõi diễn biến của thị trường để có những giải pháp thích hợp.

Không nên thắt chặt hơn tiền tệ

Trả lời báo giới về định hướng điều hành thị trường tài chính, giá cả trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, Chính phủ, các cơ quan quản lý hiện đang điều hành nền kinh tế trong bối cảnh hết sức khó khăn do chịu tác động từ bên ngoài, trong khi trong nước thì không thể kìm hãm như trước.

Một lần nữa, "yếu tố bên ngoài" được đưa ra, nhấn mạnh để giải thích cho những khó khăn của nền kinh tế trong nước, đặc biệt là vấn đề lạm phát.

Và do đó, Chính phủ khẳng định phải kiên trì nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có vấn đề về giá. Tuy nhiên, nếu điều hành không cẩn trọng sẽ dễ gây sốc, ảnh hưởng lớn tới kinh tế xã hội, đến đời sống của người dân. “Chúng ta không thả nổi hoàn toàn”, ông Ninh nói.

Liên quan đến các giải pháp điều hành thị trường tiền tệ, ngoại hối, vàng…, Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiền nhìn nhận, hiện tình hình đã có những diễn biến tích cực sau loạt giải pháp của Chính phủ.

Ông Tiến cũng thông tin khá chi tiết về chính sách ngừng huy động và cho vay vàng từ 1/5 tới, cũng như phân tích các tác động liên quan...

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 20%, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận là giải pháp điều hành phải hết sức quan trọng. Bởi lẽ, dù là trong 4 tháng tín dụng tăng trưởng trên 5%, nhưng trong đó đã có tháng "nghỉ ngơi".

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cho dù Chính phủ đã đặt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song đến thời điểm này lạm phát đã vượt xa mục tiêu kiềm chế đề ra. Do đó, đổi hỏi giải pháp tiếp theo tinh thần Nghị quyết 11 nhưng cần phải có sự đồng bộ của các giải pháp, không nên quá kỳ vọng vào một giải pháp nhất định.

“Riêng với chính sách tiền tệ, tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay không nên thực hiện các biện pháp thắt chặt hơn chính sách tiền tệ̣. Thay vào đó là phải theo dõi, bám sát diễn biến trong 3 - 6 tháng tới để có thể có những giải pháp hợp lý hơn”, ông Tiến đưa ra quan điểm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lạm phát tâm lý rất quan trọng, nhưng trước diễn biến tích cực của nền kinh tế, Chính phủ tin rằng từ tháng 5, tháng 6 trở đi lạm phát sẽ giảm dần.

“Chúng ta phải có niềm tin đó và báo chí có nhiệm vụ truyền tải những thông tin nhằm ổn định tâm lý́”, Bộ trưởng Phúc kết luận cuộc họp.