Chính phủ lo “quy hoạch” bị lạm dụng
Gồm 8 chương, 69 điều, dự thảo Luật Quy hoạch được soạn thảo theo hướng điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước
Từ "quy hoạch" thường xuyên bị lạm dụng, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Đây chỉ là một vài trong số rất nhiều những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch, cũng là lý do cho sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch, theo tờ trình về dự án luật này của Chính phủ.
Sau rất nhiều thúc giục, hồ sơ dự án Luật Quy hoạch đã vừa được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để tiến hành thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.
Điểm mặt quy hoạch gây lãng phí
Tại tờ trình, Chính phủ nêu rõ, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém.
Điều này gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đề cập những yếu kém cụ thể, Chính phủ đánh giá tình trạng lập quy hoạch quá nhiều ngày càng có xu hướng gia tăng.
Thời kỳ 2001 - 2010 số quy hoạch được lập là 3.114 thì đến thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản, tức là tăng gấp 6 lần.
Chính phủ cũng nhìn nhận, từ "quy hoạch" thường xuyên bị lạm dụng, khi mà nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch.
Cụ thể như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, quy hoạch sản xuất thuốc lá, mạng lưới buôn bán thuốc lá...
Một số quy hoạch khác không thể triển khai thực hiện được vì không rõ đối tượng quản lý, không quy định trách nhiệm tổ chức cũng được Chính phủ điểm danh.
Như, quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến đường hay quy hoạch tổng thể phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội, Tp.HCM - Mộc Bài...
Tờ trình còn chỉ ra hàng loạt các yếu kém khác, trong đó có sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mang tính chính trị, chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Thậm chí, một số ngành, lĩnh vực bị chia cắt, phân khúc để lập quy hoạch, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện.
Tránh tư duy nhiệm kỳ
Theo Chính phủ, Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển.
Gồm 8 chương, 69 điều, dự thảo Luật Quy hoạch được soạn thảo theo hướng điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động quy hoạch.
Cơ quan soạn thảo cũng thuyết minh rằng, để khắc phục tình trạng lạm dùng từ quy hoạch, dự thảo luật quy định rõ nội hàm khái niệm quy hoạch phải đảm bảo 3 yếu tố: là một quá trình, là công cụ quản lý của nhà nước và gắn với việc phân bố không gian cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường.
Dự thảo luật cũng quy định rõ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, trong đó có tránh tình trạng điều chỉnh bổ sung tuỳ tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ.
Dự án Luật Quy hoạch đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại 3 phiên họp Chính phủ, Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại ba cuộc họp, Chính phủ đã thống nhất thông qua, trình Quốc hội xem xét, tờ trình nêu rõ.