11:42 22/11/2010

Chính thức đạt thỏa thuận giải cứu Ireland

An Huy

Thủ tướng Ireland vừa cho biết, nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về một gói giải cứu tài chính

Số tiền Ireland nhận được hiện chưa được công bố chính thức.
Số tiền Ireland nhận được hiện chưa được công bố chính thức.
Thủ tướng Ireland, ông Brian Cowen, vừa cho biết, nước này và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về một gói giải cứu tài chính. Đây là lần thứ hai một quốc gia nặng nợ của châu Âu phải cầu viện sự cứu trợ từ bên ngoài để tránh thảm họa vỡ nợ cấp quốc gia.

Theo hãng tin BBC, hiện giá trị và các điều khoản của kế hoạch cứu trợ chưa được công bố chính thức, nhưng sẽ được các bên liên quan đàm phán trong những ngày tới. Tương tự như gói cứu trợ dành cho Hy Lạp cách đây ít tháng, chương trình giải cứu Ireland có sự tham gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tình hình ở Ireland đã đi đến những diễn biến mới nhất, sau khi EU và IMF nhất trí về một kế hoạch giải cứu Ireland. Dublin ngay sau đó cũng lên tiếng đề nghị sự giúp đỡ này. Trước đó, cho tới mấy ngày gần đây, Ireland vẫn tuyên bố chưa cần tới viện trợ từ bên ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland, ông Brian Lenihan, cho hay, giá trị của gói giải cứu sẽ ít hơn 100 tỷ Euro, tương đương khoảng 136 tỷ USD. Ngoài kế hoạch cứu trợ của EU và IMF, Ireland còn được hai quốc gia không sử dụng đồng Euro là Anh và Thụy Điển đề xuất cho vay vốn trực tiếp.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ EU cho rằng, giá trị gói cứu trợ mà EU và IMF dành cho Dublin sẽ có trị giá 80-90 tỷ Euro. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo, kế hoạch có trị giá chừng 95 tỷ Euro.

Theo BBC, cuộc khủng hoảng mà Ireland đang đối mặt là kết quả của suy thoái kinh tế và hệ thống ngân hàng rệu rã của nước này.

Ireland từng được xem là một “con hổ” của khu vực Celtic nhờ mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, một phần dựa trên thuế suất thuế doanh nghiệp thấp. Tuy nhiên, bong bóng bất động sản vỡ tung đã khiến các ngân hàng của Ireland ngập trong nợ xấu, đẩy chi phí vay vốn của cả hệ thống nhà băng lẫn Chính phủ nước này tăng vọt.

Ireland đã chi những số tiền lớn để cứu các ngân hàng và mạnh tay cắt giảm chi tiêu công, nhưng rốt cục vẫn không khắc phục được tình hình. Mức thâm hụt ngân sách của Ireland năm nay dự kiến vượt mốc 30% GDP, cao gấp đôi của Hy Lạp.

Phát biểu tại Brussels, Cao ủy EU về các vấn đề tài chính Olli Rehn, cho hay, kế hoạch giải cứu Ireland sẽ đem đến cho nước này sự hỗ trợ tài chính trong thời gian 3 năm. Kế hoạch này không chỉ để cứu Ireland mà còn nhằm đảm bảo sự bình ổn của khu vực Eurozone.

Về phần mình, Ireland dự kiến sự dụng các khoản vay từ bên ngoài cho hai mục đích. Thứ nhất, một phần số tiền sẽ được dùng để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu các ngân hàng, theo đó thu nhỏ quy mô của các nhà băng. Thứ hai, tiền vay sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách của Ireland về mức mục tiêu 3% vào năm 2014.

Theo kế hoạch cứu trợ, thuế thu nhập ở Ireland sẽ được tăng lên. Tuy nhiên, thuế suất thuế doanh nghiệp thấp của nước này (hiện là 12,5%) - vốn là một chủ đề gây tranh cãi đối với nhiều quốc gia nhưng lại được xem là “đương nhiên” ở Ireland - lại không được đề cập tới.

Theo nhận định của BBC, việc các bên liên quan đạt kế hoạch giải cứu Ireland vào ngày Chủ nhật, trước khi các thị trường toàn cầu mở cửa tuần giao dịch mới, là dấu hiệu cho thấy một kết cục tồi tệ có thể xảy ra đối với Ireland và các quốc gia nặng nợ khác ở châu Âu nếu bản kế hoạch không được đưa ra.

Các quan chức EU lo ngại những rắc rối tài chính của Ireland có thể lan rộng sang các quốc gia có thâm hụt ngân sách lớn khác ở Eurozone như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hồi tháng 5, EU và IMF đã tung gói giải cứu trị giá 110 tỷ Euro cho Hy Lạp để giúp Athens tránh nguy cơ vỡ nợ.