Chính thức miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị trình miễn nhiệm Chủ tịch nước
Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng và nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm
Tiếp tục chương trình kỳ họp 11 của Quốc hội, sáng nay (2/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại đoàn của các đại biểu về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, theo tờ trình của Chủ tịch nước ngày hôm qua (1/4).
Sau đó, Chủ tịch nước giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về việc miễn nhiệm Thủ tướng và Quốc hội tiến hành biểu quyết miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Quốc hội sau đó biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tỷ lệ 446/452 đại biểu có mặt tán thành.
Nghị quyết này hiệu lực thi hành kể từ khi Quốc hội bầu được Thủ tướng mới. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục thực hiện các chức năng và nhiệm vụ Thủ tướng cho đến khi chuyển giao cho Thủ tướng kế nhiệm. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ bầu và tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ vào ngày 5/4.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào thứ Hai tuần sau (5/4).
Trước đó, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử làm Chủ tịch nước tại kỳ họp này. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 vào ngày 26/7/2016.
Báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định con tàu Việt Nam đã "vượt qua hải trình dồn dập bão tố của muôn vàn khó khăn, thách thức vượt xa so với những dự tính đầu nhiệm kỳ", đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nền các nền kinh tế trên thế giới.
Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, luôn sâu sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình, tranh thủ thời cơ. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện tại, ứng viên được đề cử thay thế vị trí Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc chưa được công bố. Tuy nhiên, trong danh sách những người thuộc các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương - được giới thiệu ứng cử ở khối Chính phủ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn khoảng 25 chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước, bao gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; các Phó chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng, các phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; một số Phó chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh.
Trước đó, trong ngày 3 ngày (30/3 - 1/4), Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và 3 Phó chủ tịch Quốc hội - bà Tòng Thị Phóng, ông Uông Chu Lưu và ông Phùng Quốc Hiển. Quốc hội cũng đã bầu tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và 3 tân Phó chủ tịch Quốc hội - ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Khắc Định và ông Nguyễn Đức Hải.