Chính thức tăng biên độ, nới margin
Quyết định trả lại biên độ +/-7% cho HSX và +/-10% cho HNX cũng như nâng tỉ lệ margin lên 50/50 vừa được ký
Quyết định trả lại biên độ +/-7% cho HSX và +/-10% cho HNX cũng như nâng tỉ lệ margin lên 50/50 vừa được ký chiều tối qua và sẽ áp dụng ngay.
Sáng nay (9/1), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng cho biết đã ký quyết định nâng biên độ cho hai sàn và áp dụng từ ngày 15/1/2013. Quyết định nâng tỉ lệ margin từ 40/60 lên 50/50 cũng được ký, sẽ áp dụng từ 1/2/2013.
Những quyết định mới
Trước tình hình thị trường chứng khoán năm 2012 gặp nhiều khó khăn, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán là cần ban hành các giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên nhiều giải pháp cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều đơn vị Bộ ngành nên gói giải pháp sẽ được xem xét theo lộ trình. “Các giải pháp hỗ trợ thị trường nếu nằm trong quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán giải quyết được sẽ giải quyết ngay, các giải pháp nào cần sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban sẽ kiên trì đề xuất”.
Cũng theo người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán, các giải pháp mang tính kỹ thuật đối với thị trường được ưu tiên thực hiện trước. Cụ thể hóa quan điểm này, việc trả lại biên độ cho hai sàn và tăng tỉ lệ margin đã được ban hành ngay lập tức sau khi được lãnh đạo Bộ Tài chính chấp thuận.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh thị trường suy giảm cũng đã được thực hiện từng bước. Năm 2012, mức độ thành công trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp niêm yết rất thấp, do có tới 60% doanh nghiệp có cổ phiếu giảm xuống dưới mệnh giá. Nếu không tháo gỡ việc phát hành dưới mệnh giá thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận được vốn.
“Nếu đại hội cổ đông đã nhất chí cho phép bán cổ phần dưới mệnh giá thì cơ quan quản lý phải tôn trọng. Điểm mắc là ở Luật Doanh nghiệp chứ không phải vấn đề mệnh giá. Thế giới cũng rất nhiều nước có quy định mệnh giá. Luật quy định vốn điều lệ là mệnh giá nhân với số cổ phiếu với ý là không được khai khống vốn. Trên thực tế nếu doanh nghiệp khai vốn đúng như vốn thực thì có thể giải quyết được. Bộ Tài chính đã thảo luận rất kỹ với các bộ chức năng và sẽ có hướng dẫn cụ thể”.
Liên quan đến vấn đề thuế, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục miễn giảm thuế đối với lĩnh vực chứng khoán. Ngoài ra, để thu hút vốn nước ngoài, kiến nghị ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới (quỹ mở, quỹ đầu tư bất động sản), công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện.
Các giải pháp cấp bách
Liên quan đến quan điểm coi chứng khoán thuộc diện “phi sản xuất”, ông Bằng cho biết việc kiểm soát dòng vốn của ngân hàng vào thị trường chứng khoán nên trên cơ sở các chỉ tiêu rủi ro và tùy thuộc vào độ an toàn của từng ngân hàng chứ không nên đưa ra thành một chủ trương, quan điểm chỉ đạo mà có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Hiện tại, việc xử lý nợ xấu đang được xúc tiến nên cần nhìn nhận đúng vai trò của thị trường chứng khoán trong quá trình này. “Quan điểm của Ủy ban là không giúp thị trường chứng khoán thì việc xử lý nợ xấu khó thành công”.
Trên cơ sở này, mặc dù mới đây đại diện Ngân hàng Nhà nước đã hé mở quan điểm điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 là không giới hạn tỉ lệ cho vay đối với các nhóm không khuyến khích (chứng khoán thuộc diện này), nhưng Ủy ban Chứng khoán vẫn kiến nghị có một thông điệp cụ thể và rõ ràng: “Kiến nghị không đưa chứng khoán vào nhóm phi sản xuất để thể hiện quan điểm nhìn nhận thị trường chứng khoán đúng bản chất hơn và thể hiện sự quan tâm hơn đến thị trường”, ông Bằng nói.
Vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sắp tới sẽ sửa quyết định hướng dẫn về đầu tư nước ngoài với việc đầu tiên là xem xét mở rộng hơn khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết cho phép nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ số cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt trên tỉ lệ 49%, ngoại trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Từ trước đến nay vẫn có chủ trương phân loại doanh nghiệp và quy định tỉ lệ sở hữu. Nhưng số lượng doanh nghiệp quá lớn, làm nhiều ngành nghề nên thông số không đầy đủ, khó phân loại. Vậy chúng ta có thể tạo điểm nhấn bằng cách thực hiện với công ty niêm yết trước, thí điểm trước, trình Chính phủ một danh mục doanh nghiệp có thể duy trì mức room thông thoáng hơn”, ông Bằng cho biết.
Câu chuyện cổ phiếu không có quyền biểu quyết đã được nói đến khá lâu nhưng vào thời điểm này cũng đã đến lúc thực hiện. Vấn đề này cũng sẽ được áp dụng với các công ty niêm yết trước và mức độ mở cũng tương đối. Nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu trên 49% sẽ không có quyền biểu quyết.
“Đối với công ty chứng khoán, trước đây quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu đến 49% hoặc công ty 100% vốn nước ngoài. Sắp tới sẽ xem xét tùy thuộc vào đối tác Việt Nam và đối tác nước ngoài đề xuất và trên cơ sở chấp thuận của Bộ Tài chính, chúng tôi có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 49% đến 100%. Ngay cả với các ngân hàng không thực sự cần thiết khống chế, chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét mở rộng tỉ lệ sở hữu”.
Liên quan đến các sản phẩm mới, Ủy ban Chứng khoán kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, hệ thống giao dịch, chế độ tài chính, kế toán nhằm thúc đẩy các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản, quỹ hưu trí nhằm thu hút đầu tư, tăng sức cầu và thanh khoản cho thị trường.