“Chính tôi cũng khổ vì thiếu vé!”
Tổng giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam trò chuyện với VnEconomy quanh chuyện vé máy bay dịp Tết
Giải bài toán khan hiếm, không khó
Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu đi lại bằng máy bay trên các tuyến bay nội địa đều rơi vào tình trạng không mua được vé, nguyên nhân tình trạng này là do đâu, thưa ông?
Nguyên nhân hiện tượng cháy vé máy bay mỗi dịp Tết là vì “cung vượt quá cầu”. Nhu cầu đi lại vào dịp cuối năm thường tăng 30-40%, song các hãng hàng không chỉ tăng được 10% số chuyến bay phục vụ.
Thực tế là doanh nghiệp không dám tăng chuyến nhiều bởi một nghịch lý: càng mùa cao điểm, càng nhiều người đi máy bay thì doanh nghiệp càng ngại bay vì càng bay càng… lỗ.
Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện giá xăng dầu đã tăng 3 lần nhưng giá trần vé máy bay vẫn không đổi, gây rất nhiều khó khăn cho các hãng hàng không. Giá dầu thế giới hiện cao ở mức kỷ lục với gần 100 USD một thùng, trong khi giá trần 1,5 triệu đồng cho chuyến bay nội địa được áp dụng từ năm 2001.
Với Pacific Airlines, mặc dù dịp này chúng tôi đã lược bỏ những dịch vụ không cần thiết, giúp thời gian chuẩn bị mỗi chuyến bay từ một giờ giảm xuồng còn 30 phút, giúp tăng tần suất bay đáng kể, công suất khai thác máy bay tăng lên 50% nhưng tình trạng thiếu vé vẫn xảy ra.
Chính tôi cũng đang “khốn khổ” vì tình trạng này. Có khách hàng gọi điện cho tôi thắc mắc: “Tôi cần vé ra Hà Nội, anh cứ tăng giá dịp Tết 6 triệu một vé tôi cũng mua!". Thậm chí một số bà con, người thân, nhờ vả mua vé máy bay giúp, tôi chỉ còn cách duy nhất là… trốn.
Vậy, để giải bài toán khan hiếm này, theo ông có cách nào không?
Để giải bài toán “đến Tết lại hết vé” thật ra không khó, nếu xử lý thỏa đáng.
Cụ thể, nếu có cơ chế giá vé hợp lý, doanh nghiệp có thể tăng số lượng chuyến bay đủ đáp ứng nhu cầu của hành khách, dù đông đến đâu. Thực ra, dịp Tết Nguyên đán ở nước ta lại trùng với mùa đông ở châu Âu, dân tình bên đó ngại đi lại, nên số lượng máy bay thừa ngắn hạn bên đó rất nhiều. Các hãng có thể thuê máy bay từ châu Âu về phục vụ dịp Tết trong khoảng thời gian 1-2 tháng.
Tuy nhiên, giá vé chưa hợp lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hầu hết các sân bay ở nước ta hiện nay chỉ đạt 2-3 chuyến/ngày, nhiều sân bay như Cà Mau, Ban Mê Thuột, Đà Lạt… mỗi ngày chỉ một chuyến, nhiều sân bay vài ngày mới có một chuyến bay.
Theo tôi, chỉ có nâng trần giá vé hoặc bỏ hẳn giá trần, mới giải quyết được thực trạng thiếu vé và hành khách mới được hưởng lợi.
Cam kết giữ giá rẻ nhất
Bộ Tài chính đã có quyết định cho phép nâng mức “trần” giá vé lên 1,7 triệu đồng tuyến Hà Nội -Tp.HCM từ 1/3/2008, vậy xin ông cho biết cái lợi mà hành khách được hưởng ở đây cụ thể là gì?
Vừa rồi, Bộ Tài chính đã cho phép nâng mức “trần” giá vé các đường bay nội địa, đây là một quyết định đúng để hàng không được bay theo quy luật thị trường.
Cụ thể, khi nâng trần, biên độ đa dạng vé càng cao, người nhiều tiền muốn được hưởng dịch vụ có điều kiện tốt thì phải trả mức giá cao và ngược lại, người ít tiền thì sử dụng giá vé với dịch vụ tối thiểu. Như vậy, hàng không sẽ có nhiều mức giá khác nhau để hành khách lựa chọn.
Ví dụ, hiện nay, Pacific Airlines đã có 6 mạng đường bay nội địa với 11 giá vé khác nhau, mức thấp nhất là 15.000 đồng, mức cao nhất cho vé hạng phổ thông là 1,5 triệu đồng cho một chiều bay Hà Nội - Tp.HCM.
Sắp tới, cùng với việc được phép nâng giá trần, Pacific Airlines sẽ mở thêm 8 đường bay nội địa với mục tiêu phủ kín mạng đường bay nội địa tới các tỉnh, thành lớn trong cả nước như: Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Đà Nẵng…Cuối năm 2008 chúng tôi sẽ mở thêm 4 đường bay đi Thái Lan, Singapore, Campuchia, Malaysia. Riêng đường bay Hà Nội - Tp.HCM, hè 2008 sẽ có 12 chuyến/ngày, bình quân mỗi giờ một chuyến bay giúp hành khách có thể dễ dàng đi máy bay vào bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, nếu có cơ chế giá vé hợp lý thì các doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư, các sân bay sẽ được khai thác với tần suất cao hơn, sẽ không còn “lèo tèo” ngày vài chuyến như hiện nay và sẽ giải quyết được cảnh “cháy vé” máy bay mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ông có thể nói gì khi Pacific Airlines luôn đưa ra nhiều loại vé giá rẻ trong khi theo báo cáo thực tế thì hãng vẫn luôn phải bù lỗ và kiến nghị được tăng giá trần? Việc tăng giá trần lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển loại hình hàng không giá rẻ?
Đúng là chúng tôi sẽ bị lỗ nếu không áp dụng mô hình kinh doanh linh hoạt, như: chỉ có một hạng ghế hành khách; chỉ dùng một loại máy bay, giảm chi phí đào tạo và vận hành; thời gian quay vòng chuyến nhanh (sử dụng tối đa máy bay); tăng cường bán vé trực tiếp, đặc biệt qua mạng Internet (tránh phí và hoa hồng trả cho các đại lý; khuyến khích sử dụng vé điện tử; giảm thiếu nhân viên, tiếp viên phục vụ…
Ngoài ra, để giảm giá vé, chúng tôi đã xử lý cả một bài toán chi phí theo hướng tiết kiệm hơn. Pacific Airlines đã lược bỏ những dịch vụ không thật sự cần thiết cho một chuyến bay ngắn 1-2 giờ.
Chỉ riêng việc bỏ dịch vụ ăn uống đã giúp giảm thời gian chuẩn bị chuyến bay từ 1 giờ xuống còn 30 phút, giúp giảm rất nhiều chi phí.
Việc khách thay đổi chuyến bay phải thực hiện 24 tiếng trước giờ khởi hành, không bay sẽ không được hoàn lại tiền… cũng giúp quản lý được số lượng hành khách mỗi chuyến bay nên Pacific Airlines không phải bán số vé nhiều hơn số ghế trên máy bay để bù lại những vé bị khách hoãn chuyến như nhiều hãng truyền thống.
Việc áp dụng bán vé điện tử với hình thức thanh toán trực tuyến trên mạng internet bằng thẻ tín dụng đầu tiên tại Việt Nam mà chúng tôi thực hiện cũng góp phần giảm chi phí đáng kể cho cả hãng và cho khách hàng.
Còn về việc nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng gì đến chiến lược hàng không giá rẻ của Pacific. Tôi có thể khẳng định, dù giá cả thị trường có biến động đến đâu thì Pacific Airlines vẫn cam kết giữ mức giá vé rẻ nhất trên thị trường hàng không Việt Nam.