11:34 03/09/2008

Chính trường Nhật Bản bất ổn

Trung Việt

Thủ tướng Nhật Bản Fukuda vừa bất ngờ tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo khẩn tối 1/9

Thủ tướng Fukuda, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) vừa trải qua gần một năm cầm quyền đầy sóng gió.
Thủ tướng Fukuda, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) vừa trải qua gần một năm cầm quyền đầy sóng gió.
Thủ tướng Nhật Bản Fukuda vừa bất ngờ tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo khẩn tối 1/9. Ông Fukuda ra đi trong khi các kế hoạch kích thích kinh tế còn dang dở và có thể đẩy chính trường Nhật Bản vào giai đoạn bất ổn kéo dài.

Thủ tướng Fukuda, Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) vừa trải qua gần một năm cầm quyền đầy sóng gió cho biết, ông từ chức vì những khó khăn trong thực hiện các chính sách then chốt ngăn chặn tình trạng suy giảm kinh tế, đồng thời để phá vỡ thế bế tắc hiện nay tại Quốc hội - nơi phe đối lập kiểm soát Thượng viện.

Ai sẽ kế nhiệm ông Fukuda?

Ông Fukuda là thủ tướng thứ hai của Nhật Bản từ chức trong vòng một năm qua. Trước đó, hồi tháng 9 năm ngoái, người tiền nhiệm của ông là Shinzo Abe cũng đã từ chức sau khoảng một năm cầm quyền.

Những ngày qua, Thủ tướng Fukuda đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ giảm sút nghiêm trọng, chủ yếu do sự chia rẽ giữa đảng cầm quyền và phe đối lập tại Quốc hội. Fukuda cho rằng, hiện giờ là thời điểm tốt nhất để ông từ chức nhằm tránh tạo ra “khoảng trống chính trị” ở Nhật Bản-nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sáng 2/9, ban lãnh đạo LDP đã họp để tiến hành các bước lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng Fukuda, đồng thời là Chủ tịch LDP. Ban lãnh đạo LDP dự định tổ chức bầu cử vào ngày 22/9 và chiến dịch tranh cử sẽ được khởi động vào ngày 10/9. Người được bầu làm Chủ tịch LDP đương nhiên sẽ trở thành Thủ tướng Nhật Bản do liên minh cầm quyền hiện chiếm đa số ghế tại Hạ viện.

Hiện Tổng thư ký LDP Taro Aso, 67 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất kế nhiệm Thủ tướng Fukuda. Sáng 2/9, ông Aso đã tuyên bố sẵn sàng ra tranh cử chức Chủ tịch LDP và cho rằng “không loại trừ khả năng ông là người thích hợp cho vị trí trên”. Nhưng, một số nghị sĩ của LDP cũng đang cân nhắc việc ra tranh cử, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike, Bộ trưởng Giao thông và Lãnh thổ Sazakazu Tanigaki, khiến cuộc đua nhiều khả năng có nhiều ứng cử viên.

Trước những diễn biến bất ngờ trên chính trường Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng chiến lược bầu cử của LDP Makoto Koga cho rằng cần tính đến khả năng tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.

Theo các nhà phân tích, quyết định từ chức bất ngờ của Thủ tướng Fukuda đã và sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Nhật Bản, do sự việc xảy ra ngay trước khi chính phủ thực hiện chính sách kích thích kinh tế cả gói vừa được công bố cuối tuần trước.

Những kế hoạch kinh tế chưa kịp thực hiện

Thủ tướng Fukuda đã từ chức trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái và ông vừa thực hiện cải tổ Chính phủ cũng như đưa ra một loạt kế hoạch kích thích kinh tế, nhằm giành lại uy tín của dân chúng. Trong cuộc cải tổ đầu tháng 8 vừa qua, ông Fukuda đã chỉ định nhiều nhân vật có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vào các vị trí kinh tế then chốt.

Ông Fukuda cũng đã lên kế hoạch thành lập nhóm chuyên trách vào cuối năm nay để soạn thảo kế hoạch cải cách kinh tế dài hạn nhằm thực hiện mục tiêu đưa Nhật Bản trở lại danh sách 10 nước có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao nhất thế giới. Từ năm 1985 đến năm 2003, Nhật Bản luôn nằm trong top 10 thế giới về GDP.

Tuy nhiên, hiện đã tụt xuống hạng 18 thế giới. Nhóm chuyên trách nêu trên có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất nhằm giúp Nhật Bản đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững bất chấp tỷ lệ sinh giảm và xã hội ngày càng lão hóa.

Tuần trước, Chính phủ của ông Fukuda đã công bố chương trình cả gói đầy tham vọng, trị giá 11,7 nghìn tỷ Yên (khoảng 111 tỷ USD), nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm bớt những tác động tiêu cực do giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ và liên minh cầm quyền cũng nhất trí đề nghị khoản ngân sách bổ sung 1.800 tỷ Yên (khoảng 17 tỷ USD) cho tài khóa hiện nay (kết thúc 3/2009) nhằm hỗ trợ chương trình cả gói khẩn cấp nói trên.

Chương kinh tế cả gói sẽ tập trung hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang phải đối mặt với khủng hoảng tín dụng, do các ngân hàng hạn chế cho vay vì lo ngại các doanh nghiệp này bị phá sản. 400 tỷ Yên sẽ được sử dụng để thúc đẩy chương trình bảo đảm tín dụng của Chính phủ nhằm tăng quỹ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm khoảng 99% tổng số doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là liệu sau khi ông Fukuda từ chức, những kế hoạch đầy tham vọng mà ông đề ra có tiếp tục được liên minh cầm quyền thực thi hay không.