Chịu nhiều sức ép, chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm tuần này
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng vẫn tăng điểm trong tuần
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, với sự dẫn đầu của cổ phiếu tài chính, khi báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn không đủ sức thuyết phục các nhà đầu tư. Ngoài ra, nỗi lo xảy ra xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Nga ở Syria cũng tiếp tục phủ bóng lên Phố Wall.
Hãng tin Reuters cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc chỉ số S&P 500 giảm 2,6%, trong khi các cổ phiếu tài chính nói chung thuộc nhóm này mất 1,6% - mức giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500.
Cổ phiếu JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ về giá trị tài sản, giảm 2,7% sau khi báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận quý 1 hơi "hụt" so với kỳ vọng trước đó. Với mức giảm này, cổ phiếu JPMorgan Chase trở thành nguồn áp lực giảm giá lớn nhất lên S&P 500.
Cổ phiếu Wells Fargo sụt 3,4% sau khi nhà băng này tuyên bố có thể phải nộp phạt 1 tỷ USD để thôi bị cơ quan chức năng điều tra. Cổ phiếu Citigroup giảm 1,6% cho dù lợi nhuận vượt dự báo.
Theo ông RJ Grant, trưởng bộ phận giao dịch thuộc Keefe, Bruyette & Woods, tốc độ tăng trưởng cho vay thấp đã gây áp lực giảm lên cổ phiếu ngân hàng. "Nếu bạn không nắm giữ cổ phiếu tài chính từ trước, thì chẳng có gì trong những con số công bố ngày hôm nay khiến bạn muốn mua cổ phiếu tài chính cả", ông Grant phát biểu.
Áp lực giảm đối với chứng khoán Mỹ gia tăng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố đã có bằng chứng về việc lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học cách đây 1 tuần ở Douma, Syria.
Khả năng Mỹ có hành động quân sự đối với Syria để đáp trả vụ tấn công trên "đủ lớn để gây ra thiệt hại đối với thị trường chứng khoán", ông Roberts Phipps, một thành viên Hội đồng Quản trị thuộc Per Stirling Capital Management, nhận định. "Có quá nhiều sự bấp bênh ở thời điểm hiện tại, nên các nhà đầu tư không muốn giữ trạng thái qua cuối tuần, đặc biệt là những trạng thái đầu cơ giá lên".
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,5%, còn 24.360,14 điểm. S&P 500 mất 0,29%, còn 2.656,3 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,47%, còn 7.106,65 điểm.
Tuy vậy, tuần này vẫn là tuần tăng điểm của chứng khoán Mỹ, nhờ nỗi lo lắng xuống về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư về một mùa báo cáo kinh doanh khả quan. Cả tuần, S&P 500 tăng 1,99%, Dow Jones tăng 1,79%, còn Nasdaq tăng 2,77%.
Báo cáo tài chính mà các ngân hàng lớn công bố vào ngày thứ Sáu đã mở màn cho mùa công bố lợi nhuận quý 1/2018 ở Phố Wall. Thị trường kỳ vọng lợi nhuận quý của các công ty niêm yết thuộc S&P 500 tăng 18,6% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm.
Dù kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan, các vấn đề địa chính trị đang gây áp lực giảm đối với thị trường chứng khoán nước này.
Vào ngày thứ Sáu, các nghị sỹ cấp cao của Nga nói rằng Hạ viện Nga sẽ cân nhắc soạn thảo một dự luận trao cho điện Kremlin quyền cấm hoặc hạn chế một loạt mặt hàng từ Mỹ. Đây là động thái nhằm đáp trả việc Mỹ mới đây tung lệnh trừng phạt đối với nhiều doanh nhân lớn và quan chức cấp cao của Nga.
Cổ phiếu Boeing giảm 2,4% sau khi một nghị sỹ Nga nói nước này có thể ngừng cung cấp titanium cho hãng sản xuất máy bay của Mỹ.
Trong số các nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, năng lượng là nhóm tăng điểm mạnh nhất phiên này, với mức tăng 1,1% nhờ giá dầu tăng.
Cổ phiếu Tesla tăng 2,1% sau khi nhà sáng lập Elon Musk nói hãng sản xuất ô tô chạy điện này sẽ có lãi trong quý 3-4 tới và sẽ không phải huy động thêm vốn trong năm nay.
Trên sàn NYSE, cứ 1,28 cổ phiếu giảm giá thì có 1 cổ phiếu tăng giá phiên này. Trên sàn Nasdaq, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,64 lần số cổ phiếu tăng.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall đã chuyển nhượng tổng cộng 5,78 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 7,22 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.