11:38 30/05/2011

Chủ tịch AAA: “Bán cổ phiếu là bất khả kháng”

Anh Quân

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị An Phát nói về tin đồn lãnh đạo công ty này lướt sóng cổ phiếu AAA

Ông phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán AAA) - Ảnh: Anh Quân.
Ông phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán AAA) - Ảnh: Anh Quân.
“Nếu quý vị không có ý kiến gì khác, tôi tuyên bố đại hội phải dừng lại ở đây…”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Môi trường xanh An Phát (mã chứng khoán AAA) hướng xuống khán phòng chỉ lác đác vài người nói.

Hôm 27/5, đại hội đồng cổ đông công ty này chỉ kéo dài 14 phút do không đủ số cổ đông đại diện theo quy định. “Tôi lấy làm tiếc vì không có cơ hội giải trình các vấn đề liên quan đến thành viên Hội đồng Quản trị”, ông Dương nói khi trao đổi với các phóng viên.

Bán cổ phiếu là bất khả kháng

Vừa rồi ông và một số lãnh đạo chủ chốt của công ty đồng loạt công bố thông tin mua cổ phiếu, đồng thời cũng bán cổ phiếu. Nên hiểu sự việc như thế nào? Ông nghĩ sao khi có người cho là lãnh đạo công ty đang lướt sóng cổ phiếu?

Do chúng tôi có dùng cổ phiếu AAA bảo lãnh cho một số nhà đầu tư. Ngày 27/4, khi đó tôi đang ở Mỹ nhận được công văn đề ngày 22/4 của công ty chứng khoán thông báo rằng tình hình giá cổ phiếu trên thị trường xuống rất nhiều. Cho nên, họ (công ty chứng khoán - PV) muốn trong vòng hai ngày phải thanh toán toàn bộ số tiền bảo lãnh nói trên.

Do khi đó tôi đang ở Mỹ nên không thể giải quyết vấn đề này trong vòng hai ngày được. Họ có thống nhất là bất kỳ kiểu gì họ cũng bán, kể cả tôi không đăng tin. Tôi thấy vấn đề này rất là nghiêm trọng, không đăng tin thì sau đó sẽ rất là dở.

Thực sự tôi không muốn bán cổ phiếu nhưng không thể lo tiền kịp được, vì trong vòng hai ngày không thể lo được 19 tỷ đồng. Nhưng họ vẫn quyết định là phải bán, không có cách nào khác. Nên chúng tôi buộc phải đăng tin cả mua và bán.

Lý do là vì bán thì chắc chắn để họ bán rồi, mình không có quyền cưỡng được. Mua thì mình hy vọng trong thời gian tới sẽ thu sếp được tài chính. Vì những người được bảo lãnh sẽ trả tiền cho chúng tôi nên chúng tôi cũng có kế hoạch mua vào cổ phiếu AAA.

Vậy đó là một hành động giải chấp đối với cổ phiếu AAA?

Đúng nó là hoạt động giải chấp. Bị ép phải bán vì những người được bảo lãnh mua cổ phiếu xuống giá, rất khó bán, không có tiền để trả cho công ty chứng khoán. Nhưng giải chấp như thế thì có cái dở là thời gian quá ngắn. Họ ra công văn ngày 22 nhưng 27 mình mới nhận được, chỉ còn có hai ngày để thực hiện.

Đến bây giờ tôi vẫn phản đối việc đó. Nhưng quan điểm của họ là khi thấy rủi ro thì cứ giải quyết thôi, mình phải chịu. Tình huống đó là bất khả kháng.

Ông có nghĩ việc này là nguyên nhân khiến cổ phiếu AAA xuống liên tục thời gian gần đây?

Thực ra, giá cổ phiếu xuống có nhiều nguyên nhân, cũng không loại trừ có nguyên nhân đó (bán cổ phiếu giải chấp - PV). Nhưng việc bán cổ phiếu cũng chỉ có mấy trăm ngàn cổ phiếu, không phải là quá lớn.

Tôi nghĩ có thể là thông tin chung của thị trường rất xấu. Ngoài ra, một số tin đồn từ những nguồn không hiểu hết câu chuyện, nên giá cổ phiếu có bị ảnh hưởng.

Qua sự việc này, chúng tôi cũng họp với nhau. Thực sự rất là đáng tiếc vì chúng tôi không đánh giá được tình huống đó, không nghĩ là tình trạng nó lại như vậy. Chúng tôi có kiểm điểm và chắc chắn là sự việc như lần này trong thời gian tới sẽ không xảy ra nữa.

Là cái gì không xảy ra?

Là không bảo lãnh nữa.

Nếu căn cứ theo mức giá, việc cổ phiếu AAA do ông sở hữu bán ở thời điểm giá khoảng 22-23 nghìn đồng/cổ phiếu. Tới hiện nay giá chỉ còn khoảng 60% khi đó. Việc bán cao mua thấp của lãnh đạo công ty có lẽ là nguyên nhân khiến nhiều người suy diễn lãnh đạo công ty lướt sóng?

Tôi muốn nói điều quan trọng là bản chất câu chuyện tại sao bán và tại sao phải đăng tin mua. Còn trong quá trình thực hiện nó có nhiều yếu tố. Ví dụ tất cả các nhà đầu tư kia, nếu họ trả lại tiền thì việc mua vào chúng tôi cũng còn phải cân nhắc có nên mua hay không.

Vì nếu bây giờ chúng tôi mua giá thấp mà trước bán giá cao thì điều đấy sẽ có kết quả như thế nào? Liệu có bị suy luận ông cố tình tung tin như thế để ép giá xuống rồi mua hay không. Cho nên, đối với chúng tôi hiện giờ đang rất suy nghĩ chuyện đó.

Thế là lỗ rồi!

Nhìn vào thời gian trước nữa, khoảng tháng 10 năm ngoái, ông có mua vào hơn 200 nghìn cổ phiếu, lúc đó giá khoảng 30-40 nghìn đồng/cổ phiếu. Nếu tình thời điển bán vừa rồi thì ông lỗ bao nhiêu?

Tôi mua lúc giá 33 nghìn đồng/cổ phiếu. Thế là lỗ rồi!

Nhưng, đến giờ tôi chẳng bao giờ ngồi tính là năm rồi lỗ bao nhiêu cả. Đối với tôi, cổ phiếu là cổ phiếu thôi, quan trọng là sở hữu cổ phiếu của Công ty, có thể là hiện tại lỗ nhưng sau này thì sẽ khác, lợi ích của tôi vẫn sẽ được đảm bảo thôi.

Tôi nói thật là việc bán hoàn toàn tôi bị bất ngờ, không chủ động được. Việc này thực sự chúng tôi không mong muốn. Chúng tôi cũng muốn mọi người hiểu rõ. Nhiều người nói chúng tôi lướt sóng nhưng thực tế không phải như vậy.

Vậy ông có quan tâm đến giá cổ phiếu AAA?

Tôi nghĩ giá cổ phiếu cũng là một quyền lợi của cổ đông. Tôi rất quan tâm đến giá cổ phiếu. Tuy nhiên, với những bài học của AAA  trong thời gian vừa qua, chúng tôi biết là giá phải do thị trường quyết định và chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình vì quyền lợi của cổ đông.

Tôi nghĩ, giá lên xuống của cổ phiếu AAA vừa qua phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề tâm lý của nhà đầu tư và tin đồn về Công ty. Bây giờ, chủ yếu là tin đồn nhiều và không có thông tin nào là chính thống hết.

Bản thân công ty hoạt động vẫn là tốt. Những việc thông tin không chính thống vừa rồi thực sự làm cho mọi người hoảng loạn, lại cộng với tình hình thị trường chung nữa…

Nếu như ông nói, giá trị cổ phiếu AAA không phải thực sự như thị trường phản ánh thì vì sao tại đại hội đồng cổ đông lần này không đưa ra lấy ý kiến việc mua vào cổ phiếu quỹ?

Thực ra, An Phát hiện nay còn đang muốn phát hành thêm cổ phiếu để xây dựng công ty.

Chúng tôi nghĩ trong nhóm cổ đông luôn có hai nhóm tư tưởng là đầu tư ngắn hạn và hai là dài hạn. Với quan điểm đầu tư dài hạn như chúng tôi thì chúng tôi vẫn muốn đầu tư xây dựng công ty bởi vì định hướng và cơ hội phát triển của công ty là lớn.

Do vậy, khi đặt vấn đề tăng vốn để phát triển công ty thì sẽ xung đột với một số lợi ích, ví dụ như lợi ích của cổ đông lướt sóng. Theo quan điểm của tôi, nếu thấy vấn đề nào là có lợi cho công ty thì cứ đưa ra, còn kết luận cuối cùng là của đại hội đồng cổ đông thôi, phát hành hay như thế nào đều do đại hội đồng cổ đông quyết định.

Nếu như thấy việc đó không cần thiết hoặc thời gian chưa phù hợp thì cổ đông có thể đưa ra tại đại hội và chúng tôi có trách nhiệm điều chỉnh. Chúng tôi không nghĩ cổ phiếu AAA xấu như thế. Việc giá xuống tôi cho là do ảnh hưởng bên ngoài thôi, còn bản chất doanh nghiệp, nếu phát triển tiếp, mở rộng sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Chuyển giao chức vụ để minh bạch hơn

Một quan tâm khác của dư luận là việc lấy ý kiến chuyển chức danh Tổng giám đốc từ ông sang cho ông Nguyễn Lê Trung (hiện là Phó tổng giám đốc), và ông chỉ còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Cụ thể việc này thế nào?

Việc chuyển chức vụ là do vừa rồi tôi thấy công việc làm cả hai nhiệm vụ cũng rất mệt mỏi. Thứ hai nữa là trong quá trình họp Hội đồng Quản trị có thống nhất là tách ra sẽ khách quan hơn, minh bạch hơn là một mình tôi nắm cả hai chức vụ.

Trong nội bộ chúng tôi cũng muốn phân công nhiệm vụ rõ ràng hơn. Trong thời gian vừa qua thấy anh Trung thực hiện nhiệm vụ của mình rất tốt, hoàn toàn có năng lực thay tôi làm lãnh đạo công ty và điều này cũng sẽ tốt hơn cho công ty.

Về phần tôi, với vai trò chuyên trách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì tôi cũng sẽ làm minh bạch hơn, tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát hơn là một mình tôi làm rồi lại tự kiểm tra.

Ông nói muốn minh bạch. Tuy nhiên năm ngoái công ty đã bị phạt vì công bố thông tin chậm. Ông giải thích thế nào?

Việc năm ngoái công ty không cung cấp thông tin kịp thời không phải là chúng tôi muốn giấu giếm gì cả mà hồi đó, kế toán của chúng tôi hiểu nhầm khái niệm nộp báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính của công ty nên bị nộp muộn đi và bị phạt thôi.

Tôi có thể cung cấp biên bản phạt đấy, chúng tôi cung cấp chậm mấy ngày chứ không phải chúng tôi giấu diếm gì.

Nhưng điều đó có thể đã ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông?

Việc đó là rất không may … Vừa rồi, có những việc không phải trong tính toán của chúng tôi. Ví dụ, bây giờ thị trường xuống quá thì dễ dẫn đến tình trạng ép bán hoặc nọ kia. Thế thì tất cả nó cộng, cộng vào.

Thực sự là chúng tôi vẫn hơi yếu về cung cấp thông tin trong thời gian đầu nên nó cũng bị ảnh hưởng, cũng gián tiếp ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu. Ngay bản thân chúng tôi cũng bị thiệt. Chúng tôi không được lợi gì trong đó cả.

Trở lại với việc chuyển giao chức vụ, có liên quan nào giữa việc kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay điều chỉnh giảm với xin ý kiến chuyển giao vị trí Tổng giám đốc, thưa ông?

Việc phân công lại trong ban điều hành không ảnh hưởng gì đến kế hoạch kinh doanh của công ty mà do chúng tôi muốn việc điều hành và giám sát tách bạch nhau. Chia nhau ra, ông này kiểm soát ông kia thì nó minh bạch hơn.

Thế còn trong ban điều hành cơ bản rất hiểu nhau và đồng thuận thôi, không có chuyện khi anh Trung làm kết quả xấu đi, tôi không nghĩ thế. Vì nếu anh Trung làm mà kết quả xấu đi thì không bao giờ chúng tôi lại tín nhiệm ông ấy cả.

Còn chỉ tiêu lợi nhuận năm nay không phải là giảm mà vì năm ngoái có một khoản thu nhập bất thường từ chuyển giao công nghệ. Thực chất năm ngoái kinh doanh chỉ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 60 tỷ đồng thôi, phần còn lại là đến từ chuyển giao công nghệ.

Năm nay không còn khoản đó nữa, không thể lấy con số năm ngoái mà so vào. Đây không phải là điều chỉnh giảm mà chúng tôi vẫn duy trì lợi nhuận. Năm nay tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sản xuất vẫn cao hơn năm ngoái.

Vậy có những ảnh hưởng nào đến sản xuất kinh doanh năm nay?

Khó khăn của năm nay là kế hoạch phát hành tăng vốn nếu không thành, dẫn tới là một số kế hoạch phát triển bị ảnh hưởng. Ví dụ như việc mở rộng nhà máy hiện nay phải sử dụng vốn của công ty chứ không từ nguồn huy động thêm.

Thứ hai nữa là ngân hàng thắt chặt tín dụng. Trước đây ngân hàng cho vay và mở LC 200 tỷ đồng chẳng hạn, thì bây giờ nhu cầu vẫn thế nhưng chỉ vay được 100 tỷ đồng thôi. Tuy nhiên, vì với công ty chúng tôi, tiền rất là luân chuyển nên không ảnh hưởng lắm.

Một vấn đề nữa là lãi suất cũng tăng hơn so với năm trước và giá vốn của mình cũng tăng, giá hạt nhựa tăng thì vốn lưu động để mua hạt nhựa cũng phải nhiều hơn, làm cho công ty cũng khó khăn hơn so với kế hoạch lúc đầu.

Tức là khó khăn về thanh khoản?

Không phải khó khăn về thanh khoản mà chỉ có khó khăn hơn về cân đối tài chính. Chúng tôi cũng có kinh nghiệm về tài chính nên không để tình trạng mất cân đối, nhưng cũng phần nào ảnh hưởng.

Trước đây, có thể mình cho khách hàng nợ lâu hơn, có thể dự trữ hàng tồn kho nhiều hơn thì giờ cái đó mình phải giảm đi và giảm nợ của khách hàng đi.

Cụ thể là đến giờ tăng trưởng doanh thu vẫn đạt theo mong muốn của chúng tôi.

Niêm yết khó huy động vốn hơn xưa

Kế hoạch phát hành chủ yếu là để mở cơ sở sản xuất tại Lào. Ông có thể nói rõ hơn dự án này?

Kế hoạch mở rộng sang Lào thì đang tạm dừng. Lúc đầu là như thế nhưng bây giờ dừng vì lấy đâu ra tiền.

Vì sao là Lào, thưa ông?

Vì từ Lào sẽ vào Mỹ dễ hơn và rất có lợi. Thuế suất từ Lào đi Mỹ bằng 0%, Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá 70%. Cho nên, dự án đấy bị tạm dừng là đáng tiếc, rất đáng tiếc.

Các ông có định khởi động lại nếu xác định có lợi như thế?

Cái đó cũng lại phải chờ tình hình vốn của Công ty. Trước kia, chúng tôi nghĩ là khi niêm yết việc huy động vốn sẽ dễ dàng. Thực tế là việc này không hề dễ, có khi còn khó hơn ngày xưa.

Ví dụ bây giờ rất nhiều nhà đầu tư muốn An Phát phát hành trái phiếu chuyển đổi cho họ để lấy vốn đầu tư cho dự án đó, nhưng việc này nếu đưa ra xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông thì cực kỳ khó.

Trái phiếu chuyển đổi thì chúng ta đều biết giá không bao giờ ngang trên sàn được, phải rẻ hơn. Nhất là trong tình hình này thì trái phiếu chuyển đổi giá sẽ cực kỳ thấp.

Ông nghĩ gì khi sự chồi sụt ở thị trường chứng khoán lại ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của công ty?

Nó có ảnh hưởng. Ví dụ như giá cổ phiếu xuống, một số khách hàng, ngân hàng cũng hỏi công ty làm ăn thế nào mà giá xuống. Thực ra, những người làm việc với mình lâu năm rồi họ không có gì e ngại về việc này. Công ty không bị tình trạng không ai chơi cùng, hay không ai cho vay cả.

Về phía công ty, việc giá cả lên xuống cũng không bị ảnh hưởng nhiều như các công ty khác, sản lượng vẫn tăng. Năm trước, kế hoạch doanh chỉ hơn 600 tỷ đồng thì năm nay kế hoạch là hơn 800 tỷ đồng và tôi nghĩ là kế hoạch này có thể thực hiện được.