Chủ tịch Quốc hội cũng sốt ruột về tiến độ dự án điện Bạc Liêu
Đại biểu sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ sự sốt ruột này, song Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa thể chắc chắn về thời điểm có thể phê duyệt dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu
Đại biểu sốt ruột, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ sự sốt ruột này, song Bộ trưởng Bộ Công Thương chưa thể chắc chắn về thời điểm có thể phê duyệt dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu.
Chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đặt vấn đề: dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đã được báo cáo với Thủ tướng 18 tháng nay và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư tròn 12 tháng nay theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Đại biểu nhấn mạnh, trong thời gian chờ đợi các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án. Tuy nhiên, cho đến nay thì dự án quan trọng này của tỉnh nghèo Bạc Liêu vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao lại có sự chậm trễ như vậy. Cần tiếp tục thực hiện những thủ tục gì để dự án này được Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết dự án này tháng 12/2018 Bộ Công Thương đã triển khai việc tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành để thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện. Sau khi tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, mặc dù còn thiếu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Quốc phòng, nhưng ngày 7/3/ 2019 Bộ Công Thương đã có văn bản1480 báo cáo Chính phủ, báo cáo Thủ tướng về việc bổ sung nhà máy điện này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện chủ trương đầu tư.
Ngày 29/ 8/2009, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét đề nghị của Bộ Công Thương, sau đó yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá tổng hợp bổ sung một số khía cạnh có liên quan đến cả nhà máy Điện Bạc Liêu cũng như các giải pháp để đảm bảo đánh giá về hiệu quả và tác động chung đến cân đối điện và mặt bằng giá điện và rất nhiều vấn đề khác.
Ngày 23/9/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ liên quan như Bộ Công an, Quốc phòng để lấy các ý kiến bổ sung với các dự án này và sau đó ngày 30/10/ 2019, Bộ Công Thương đã có văn bản 8224 gửi Thủ tướng.
Như vậy là Bộ đã hai lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về dự án này.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc, dự án điện gió Bạc Liêu giải quyết rất chậm, dù đã 18 tháng và đầy đủ hết các thủ tục đầu tư.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét việc này vì người ta kêu rất nhiều, nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là trong cuối từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Khẳng định bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện song Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết "cũng không thể nói được là thời điểm nào vì sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến". Tuy nhiên, ông Tuấn Anh hy vọng sẽ sớm được thực hiện dự án này vào đầu năm 2020.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tràn ngập ý kiến về dự án điện Bạc Liêu - Ảnh: Quang Phúc.
Sử dụng quyền tranh luận một số vị đại biểu không phải ở Bạc Liêu cũng ráo riết "truy" Bộ trưởng về tiến độ dự án điện Bạc Liêu.
Trước "hiện tượng" nhiều đại biểu cùng lên tiếng mạnh mẽ về một dự án cụ thể, một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, đại biểu rất mong muốn nghe ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo về việc này, vì những dự án điện cụ thể trong điều kiện đất nước đang thiếu điện đang cần đến để phát triển sản xuất, phát triển kinh tế là vấn đề hết sức quan trọng.
Tiếp tục trả lời, người đứng đầu ngành công thương nói dự án điện Bạc Liêu cũng như các dự án khác thì một trong những nguyên tắc đầu tiên để đảm bảo cho việc xem xét tính khả thi và hiệu quả để bổ sung vào trong quy hoạch năng lượng là yếu tố về giá thành điện sản xuất cũng như những tác động của dự án.
Chúng tôi đã nhận được báo cáo của tỉnh Bạc Liêu và của chủ đầu tư cho thấy giá điện sơ bộ có thể báo cáo khoảng 7 cent và chúng tôi ghi nhận trong báo cáo tổng thể của dự án để báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng nói.
Ông Tuấn Anh cũng "hứa" thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quyền quyết định cuối cùng là của Thủ tướng, sau khi lại tiếp tục có một số vị đại biểu nữa "đòi" thêm thông tin về dự án điện Bạc Liêu.