17:12 04/07/2023

Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: Đề nghị quy định rõ nguồn chi trả khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp

Phúc Minh

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị quy định nguồn chi trả, ai chi trả đối với các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội khi giảm độ tuổi trưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi, vì đây là khoản chi rất lớn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định là 75 tuổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải cơ sở đưa ra quy định này, căn cứ tính toán vì liên quan đến phần ngân sách lớn mà nhà nước phải hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị dự thảo cần nêu rõ quy định nguồn chi trả, ai chi trả, phương thức chuyển kinh phí và thanh quyết toán đối với các chế độ trợ cấp hưu trí xã hội vì đây là khoản chi rất lớn.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đề xuất công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Quy định này thể chế hóa một bước chủ trương “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” của Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Đồng thời giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Theo tính toán của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi, sẽ giúp mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 nghìn người.

Góp ý về nội dung này, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đồng tình về việc nên hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên, bởi khi đến độ tuổi từ 70-75 tuổi, sức khỏe của người cao tuổi đã suy giảm, khó khăn trong việc tham gia lao động sản xuất, do đó độ tuổi này nên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cân nhắc kỹ các tác động tiêu cực của chính sách điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tổng hợp ý kiến các địa phương, xây dựng lộ trình, đánh giá đầy đủ tác động đối với ngân sách nhà nước để Bộ Tài chính có ý kiến tham gia về mặt tài chính.

Trên cơ sở đó, đề nghị quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là Quốc hội.

Về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được đề xuất tại dự thảo Luật là 500.000 đồng/người/tháng, Bộ Tư pháp cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, phù hợp nguồn ngân sách nhà nước, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, giải trình căn cứ, cơ sở đề xuất mức trợ cấp và nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện chế độ này.

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên cân nhắc việc quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng cụ thể, cố định (500 nghìn đồng/người/tháng), nên giao Chính phủ quy định cụ thể trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Đồng thời, cần hài hòa với mức trợ cấp xã hội hằng tháng (theo chính sách bảo trợ xã hội) trong cùng giai đoạn để tránh có sự so sánh, vì thực chất trợ cấp hưu trí xã hội kế thừa từ quy định hiện hành về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.

Tính đến cuối 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.