Chủ tịch Quốc hội: "Rất cảm động vì những lá đơn xin thoát nghèo ngày càng nhiều"
Người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sáng 25/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ niềm xúc động, khi những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo ngày càng nhiều, nhất là khi người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Người dân dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước
Nhìn lại một năm qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ở lĩnh vực lao động, việc làm, đã hoàn thành trước 1 năm của Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Đáng mừng là cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, các tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tạo việc làm đã đề ra.
Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, công tác tuyển sinh học nghề đều đạt và vượt kế hoạch, chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp và giải quyết việc làm.
Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng luôn được đặc biệt quan tâm, đã xem xét xác nhận cho hàng ngàn trường hợp thương binh, liệt sĩ. Theo báo cáo của Bộ, đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không còn tồn đọng.
Một lĩnh vực quan trọng khác là công tác giảm nghèo, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân. "Tôi rất cảm động khi biết, tại một số địa phương, những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ngày càng nhiều, từ những tỉnh khó khăn như Điện Biên đến những tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Bình, Kon Tum.... Thậm chí, có những lá đơn của các cụ già cao tuổi xin ra khỏi hộ nghèo để dành những chính sách giảm nghèo cho người nghèo hơn", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, điều đó cho thấy một mặt hiệu quả của chính sách giảm nghèo, nhưng quan trọng hơn, đó là việc người dân đã dần từ bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. "Chúng ta đã tạo niềm tin, khát vọng muốn xóa nghèo của người dân", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Để mọi người dân đều có Tết
Nhân dịp này, đặc biệt trước thềm năm 2020, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những trọng tâm của năm 2020 là phải phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh…
Thứ hai, Bộ tiếp tục nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, với trọng tâm là gấp rút xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới. Cụ thể, trước mắt có 25 nghị định để hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp. Trong đó, lưu ý các chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.
Thứ tư, thực hiện đầy đủ chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công, làm sao đối tượng này ngày càng ít đi. Cùng với đó là cần đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", huy động mọi nguồn lực trong xã hội để chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến việc phải kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước mắt là giảm nghèo ở đối tượng chính sách, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ này cần bảo đảm không còn hộ gia đình chính sách nào có thu nhập thấp hơn mức sống trung bình của khu dân cư.
Đồng thời, phải chuyển hướng tiếp cận nghèo theo đa chiều thực chất hơn, để thiết kế chính sách giúp người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn.
Thứ năm, tiếp tục quan tâm tới công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân quan tâm.
Cuối cùng, nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2020 và Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị toàn Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung quan tâm, chăm lo chu đáo, hỗ trợ kịp thời người dân.
Đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ... để mọi người dân đều được đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.