Chủ tịch WB thúc giục các nước ký hợp đồng mua vaccine Covid-19 ngay
Thế giới đang bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với 231 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ tính tới ngày 27/2
Trong một bài phát biểu ngày 26/2, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass thúc giục các quốc gia trên thế giới "ký các hợp đồng mua vaccine Covid-19 ngay bây giờ" để sớm có lịch giao hàng.
Ông Malpass nhấn mạnh, việc khởi động chiến dịch tiêm chủng tại nhiều quốc gia và tìm các kênh vaccine khác nhau là điều vô cùng quan trọng.
Phát biểu trước các quan chức tài chính nước thành viên G20, Chủ tịch WB cũng kêu gọi sự minh bạch trong hợp đồng được ký kết giữa các bên mua, nhà sản xuất và bên trung gian nhằm đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng toàn cầu và chấm dứt đại dịch.
Thống kê của Bloomberg tới ngày 12/2 cho thấy các quốc gia trên thế giới đã đặt 9,59 tỷ liều vaccine Covid-19 với hơn 130 hợp đồng. Nếu được phân phối đồng đều, con số này đủ để tiêm cho hơn một nửa dân số toàn cầu (hầu hết vaccine cần tiêm 2 liều). Tuy nhiên, điều này không xảy ra. Các nước giàu đã giành được những giao dịch mua vacine khổng lồ và thậm chí đang trên đà tích trữ số vaccine nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu. Do đó, một số quốc gia thậm chí phải chờ tới năm 2022 hoặc muộn hơn mới mua được vaccine.
Vaccine do công ty AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển sớm dẫn đầu đường đua khi nhận được các hợp đồng đặt mua hơn 3 tỷ liều - gấp đôi so với những ứng viên vaccine khác. Tuy nhiên sau đó, các ứng viên khác bắt đầu được đặt mua rộng rãi, bao gồm vaccine do Novavax, Pfizer và BioNTech, và Gamaleya của Nga phát triển.
Chiến lược mua vaccine của các nước cũng rất khác nhau. Mỹ ký kết thỏa thuận đơn phương với các nhà sản xuất. Trong khi đó, hàng chục quốc gia khác đặt mua vaccine thông qua COVAX - cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19". Đây là chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm thúc đẩy phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine ngừa Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới. COVAX muốn phân phối 2 tỷ liều vaccine trước cuối năm 2021 cho tất cả các quốc gia, trong đó 50% dành cho 92 nước thu nhập thấp và trung bình.
Bên cạnh đó, tỷ phú Mexico Carlos Slim cũng làm trung gian ký kết một thỏa thuận cung cấp vaccine giá rẻ cho hầu hết các nước Mỹ Latin.
Sau một thời gian quan sát Mỹ và châu Âu đi đầu trong việc triển khai vaccine ngừa Covid-19, châu Á - khu vực được đánh giá là thành công nhất trong việc kiểm soát virus corona - cũng đã bắt đầu mở chiến dịch tiêm chủng nhằm tiến tới chấm dứt đại dịch. Theo các chuyên gia, các nước châu Á hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước phương Tây về tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19, nhất là những nước có dân số ít hơn. Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tiêm cho toàn bộ dân số trước tháng 9, và Australia trước tháng 10, chỉ chậm hơn vài tháng so với những nước đi đầu như Mỹ và Anh.
Theo thống kê của Bloomberg, thế giới đang bước vào chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Tính đến này 27/2, hơn 231 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ gần nhất đo được là gần 6,17 triệu liều mỗi ngày.
Riêng tại Mỹ, khoảng 70,5 triệu liều vaccine đã được tiêm. Số lượng người Mỹ được tiêm ít nhất một liều hiện nhiều hơn so với số người dương tính với Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Mỹ là 21,2 liều trên mỗi 100 dân. 75% số vaccine được phân phối tới các bang đã được sử dụng.