07:32 23/01/2016

“Chưa bao giờ biển xôn xao đến vậy”

Nguyên Vũ

Từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ tham luận tại Đại hội 12.
Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Lê Viết Chữ tham luận tại Đại hội 12.
“Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ trong tâm hồn người Việt biển lại gây xôn xao đến vậy”, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ nói trước Đại hội 12, sáng 22/1.
 
Phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ đề tham luận ông Chữ mang đến Đại hội lần này, trong bối cảnh biển Đông đang diễn biến phức tạp, như nhận định tại văn kiện Đại hội.
 
Sự xôn xao nói trên, theo Bí thư Quảng Ngãi, không chỉ gợi lên chút lãng mạn trong thi ca, âm nhạc hay trong đời sống mưu sinh thường nhật của người dân, mà đã được nâng lên thành tầm “chiến lược quốc gia”, gắn với “vận hội” của dân tộc, đất nước. Lớn lao và trọng đại, nhưng mộc mạc và giản dị: sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển.

Nói cách khác, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân, ông Chữ diễn giải.

Vị bí thư của tỉnh miền Trung khẳng định: trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và 1,3 triệu người dân Quảng Ngãi, biển là một phần máu thịt, quý giá và thiêng liêng.
 
Về lịch sử bảo vệ chủ quyền, theo ông Chữ, không một người dân nào trên quê hương Quảng Ngãi không xúc động bùi ngùi, thương cảm và tự hào mỗi khi khai hội khao lề, tế lính Hoàng Sa.

Nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ 19, lớp lớp các thế hệ dân phu từ đảo Lý Sơn đến xã Bình Châu vâng lệnh các vua, chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió và các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ của các triều vua còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng về chủ quyền của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Chữ phát biểu.
 
Bí thư Quảng Ngãi còn còn cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. 

Con số cụ thể hơn được ông nêu tại tham luận là từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản.

Quảng Ngãi đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển, Bí thư Quảng Ngãi thông tin.

Trong những nhiệm vụ chủ yếu thời gian tới, ông Chữ cho biết  sẽ quy hoạch và xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo du lịch mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Triển khai dự án khu bảo tồn thiên nhiên biển, xây dựng cảng Bến Đình, lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, khu vực Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.
 
Quãng Ngãi cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.