07:25 23/01/2016

“Không bao giờ nhân nhượng trong bảo vệ chủ quyền”

Nguyên Vũ

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nói về vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền

Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
“Chúng ta không bao giờ nhân nhượng về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, không ai cho phép nhân nhượng”, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng trao đổi với báo chí  bên lề Đại hội 12.

Ông Trung khẳng định, quan điểm của Đảng là mọi vấn đề tranh chấp cần giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị, càng hòa bình hữu nghị càng giữ vững được đất nước.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không sẵn sàng để trong trường hợp không giữ vững được đất nước bằng con đường hòa bình, không thương thảo được để giữ hòa bình, thì buộc chúng ta phải bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh quân sự.

Chúng ta hoàn toàn mong muốn tự vệ, giữ nước bằng con đường tự vệ hoàn toàn, chúng ta không đe dọa ai, sử dụng vũ lực với bất cứ một trường hợp nào, trừ trường hợp họ buộc chúng ta phải cầm súng, nếu họ tiến công xâm lược chúng ta thì lúc đó chúng ta buộc phải cầm súng, ông Trung nói.

Dân tộc ta đã hy sinh, tổn thất quá nhiều trong chiến tranh rồi, hơn ai hết ta yêu chuộng hòa bình. Nhưng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, không ai có quyền nhân nhượng. Ta bình tĩnh giải quyết bằng con đường hòa bình, thương thảo, hữu nghị, ngoại giao, pháp lý, chứ không bao giờ nhân nhượng, tướng Trung nêu rõ quan điểm.

Thưa ông, sáng 22/1 tham luận của Đại tướng Ngô Xuân Lịch có nhắc đến việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí hiện đại, có thể hiểu như thế nào? Có phải chúng ta cũng sẽ chế tạo máy bay, tàu ngầm?

Không phải, mà có thể hiểu thế này, chúng ta muốn bảo vệ Tổ quốc thì ngoài việc bỏ tiền ra của dân đi mua sắm trang bị những vũ khí hiện đại của nước ngoài thì phải tự chủ bằng trí tuệ người Việt Nam, bằng khả năng công nghiệp Việt Nam.

Chúng ta từng bước nghiên cứu những vũ khí công nghệ cao để trang bị cho quân đội. Hiện nay ta đủ vũ khí bộ binh, trang bị cho tất cả lực lượng lục quân rất hiện đại. Ta đã nghiên cứu ra phương tiện để trang bị cho lực lượng thông tin hiện đại ngang với các nước tiên tiến nhất hiện nay.

Như vậy thì thì hà cớ gì trí tuệ người Việt không nghiên cứu ra vũ khí hiện đại hơn, có công nghệ cao hơn để phòng thủ đất nước, tức là chúng ta phải có vũ khí tự vệ.

Như thế có thể có người nói ta tham gia cuộc chạy đua vũ trang làm tình hình căng thẳng hơn?

Không, chạy đua vũ trang khác. Chạy đua vũ trang là tung tiền bạc ra ngoài sức khả năng của mình. Còn chúng ta hoàn toàn cân đối giữa nền kinh tế sản xuất ra và ngân sách thu về cân đối để chi phục vụ cho vấn đề tự vệ đất nước, trong điều kiện cho phép.

Ta cố gắng bao nhiêu nhưng thực lực vẫn không thể nào bằng một số nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc, về trang thiết bị, vũ khí. Là một sĩ quan quân đội, ông nghĩ sao?

Trong cuộc đấu trí và đấu lực, vũ khí trang bị là một mặt thôi, là yếu tố hết sức quan trọng, bên cạnh yếu tố con người, yếu tố chính trị.

Ta có chính nghĩa, ta bảo vệ Tổ quốc của mình, ta tự vệ. Vì vậy ta sẽ được cả thế giới, dư luận tiến bộ, yêu chuộng hòa bình đứng về phía ta.

Tuy vũ khí của ta hiện đại nhưng số lượng ít, và có những vũ khí ta không hiện đại bằng họ, nhưng với tinh thần con người Việt Nam, với trách nhiệm tự vệ, ta có sức mạnh về chính trị. Hai yếu tố này hòa quyện tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Ta có bán hết đất nước này để mua vũ khí - tất nhiên ta không làm điều đó - thì ta vẫn không thể bằng các nước lớn. Ta chiến đấu tự vệ, vì vậy ta mua sắm vũ khí trang bị vừa phải, đúng với khả năng của nền kinh tế.

Chúng ta không vào cuộc đua vũ trang, không so sánh mình với Trung Quốc. Ta luôn chủ trương coi Trung Quốc là đối tác chiến lược, là bạn bè, cùng nhau giữ hòa bình trên biển.