11:33 29/06/2008

“Chưa có dấu hiệu tiếp tục tăng giá hàng tiêu dùng”

Xuân Hương - Thúy Nhung

Hiện không ít người dân đang lo ngại về giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng cao khi bước sang tháng 7

Đã bước sang ngày cuối cùng của tháng 6 - tháng cuối cùng trong thời hạn kìm giữ tăng giá một số mặt hàng thiết yếu của Chính phủ.
Đã bước sang ngày cuối cùng của tháng 6 - tháng cuối cùng trong thời hạn kìm giữ tăng giá một số mặt hàng thiết yếu của Chính phủ.
Không ít người dân đang lo ngại giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng cao khi bước sang tháng 7.

Tuy nhiên, theo đại diện các siêu thị lớn tại Hà Nội, hiện giá nhiều mặt hàng tiêu dùng chưa có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng sau khi tháng 6 - tháng cuối cùng trong thời hạn kìm giữ tăng giá một số mặt hàng thiết yếu của Chính phủ - trôi qua.

Nhà cung cấp chưa đề nghị tăng giá


Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh và ổn định giá một số mặt hàng thiết yếu, tâm lý lo ngại các mặt hàng sẽ đồng loạt tăng giá của người dân đã phần nào ổn định trở lại. Các nhà cung cấp hiện cũng đang nghe ngóng và xem xét tình hình.

Tới thời điểm này, Big C vẫn chưa hề nhận được đề nghi tăng giá từ phía các nhà cung cấp. Trong khi, thông thường nếu muốn tăng giá bán, nhà cung cấp phải gửi thông báo trước khoảng hai tuần. “Vì vậy, thời điểm đầu tháng 7 sẽ không có sự tăng giá đột biến và ồ ạt đối với các mặt hàng”, ông Dũng khẳng định.

Ông này còn cho biết thêm, khi nhận được đề nghị từ các nhà cung cấp, Big C cũng sẽ phải xem xét tất cả các yếu tố, nếu tăng giá do tâm lý chắc chắn sẽ không được chấp nhận.

Bà Nguyễn Đào Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh Thực phẩm, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng cho biết: qua thăm dò ý kiến của người tiêu dùng, Hapro nhận thấy, người dân đã quen và không hầu như không còn bị “sốc” trước những lần tăng giá. Người tiêu dùng cũng không nghĩ tới việc tích trữ hàng thiết yếu vì thực tế điều này cũng không thể giúp họ giải quyết vấn đề. Vì thế bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu, họ đã có tâm lý cần sử dụng mặt hàng gì khi ấy sẽ mua.

Về dự báo về giá cả các mặt hàng cũng như sức mua của thị trường trong tháng tới, bà Thuý cho hay: do tiếp tục chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, đối với những mặt hàng như bánh kẹo, thịt lợn, gạo…, nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm nhẹ. Trong khi đó, nhu cầu đối với đồ uống, sữa chua, kem... có chiều hướng tăng. Giá đối với những mặt hàng này có khả năng sẽ tăng nhẹ trong tháng tới.

Nhưng tính tới thời điểm hiện nay, Hapro cũng chưa nhận được đơn đề nghị tăng giá nào từ các nhà cung cấp. “Do vậy, đầu tháng 7, giá các mặt hàng sẽ chưa tăng giá bán”, bà Thuý nhận định.

Tuy trong tháng 6, hệ thống siêu thị Fivimart vẫn nhận được thông báo tăng giá, nhưng bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Fivimart cho hay: hầu hết các thông báo này là áp dụng đối với hàng nhập khẩu hoặc có nguyên liệu nhập khẩu. Theo bà Hậu, “đây cũng là những mặt hàng sẽ có sự biến động giá nhiều nhất do sự biến động tỷ giá của ngoại tệ”.

Mặc dù vậy, Fivimart dự báo, sức mua trong tháng tới sẽ không giảm xuống, thậm chí có khả năng tăng hơn tháng 6, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm, do siêu thị sẽ có các chương trình khuyến mại tập trung vào mặt hàng này.

“Tăng giá ẩn” đã xuất hiện?


Theo nhận định của ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, trong tháng tới, nhìn chung giá cả các mặt hàng đặc biệt là thực phẩm sẽ vẫn đứng ở mức cao. Sức mua của người dân chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, tất cả những điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc điều chỉnh giá xăng dầu của Chính phủ trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ông Phú cho rằng trên thực tế, thị trường đã có nhiều sản phẩm bắt đầu tăng giá, dù hình thức này đang được “ẩn” một cách khá khéo léo.

Ông đưa ra ví dụ: một nhãn hiệu bột giặt khá phổ biến trên thị trường, loại 3 kg trước đây có giá bán 39.000 đồng, nay trọng lưọng rút xuống chỉ còn 2,4 kg và giá bán là 40.000 đồng. Loại 4,5 kg/bao có giá 57.000 đồng, nay giá tăng lên là 63.000 đồng nhưng trọng lượng chỉ còn 3,8kg.

Nhiều loại xà bông tắm cũng được nhà sản xuất giảm trọng lượng từ 10-30 g/cục hoặc 20 ml/chai để giữ cho giá và sức mua không thay đổi. Một số mặt hàng phi thực phẩm, cũng được nhà sản xuất giảm trọng lượng để tiết kiệm chi phí và giữ giá bán.

“Thực tế là giá một số mặt hàng đã tăng. Nhưng với cách tăng đó, chỉ có những người mua hàng tinh ý mới có thể nhận biết”, ông Phú nhận xét.