Chứng khoán chiều 15/11: FLC bị "đạp" sàn, thủng đáy ngắn hạn
Thị trường diễn biến xấu trong chiều nay và hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị xả cực lớn. FLC trở thành tâm điểm với màn ép xuống tận giá sàn và bẻ gãy luôn cả đáy cách đây 4 tuần
Thị trường diễn biến xấu trong chiều nay và hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị xả cực lớn. FLC trở thành tâm điểm với màn ép xuống tận giá sàn và bẻ gãy luôn cả đáy cách đây 4 tuần.
Sau 4 phiên đầu tuần cầm cự yếu nhưng mức giảm cũng không nhiều, sáng nay FLC đã tăng tốc, giảm 3,13% xuống 4.300 đồng. Ngưỡng này cũng tương đương mức đóng cửa thấp nhất hôm 23/10, là đáy của nhịp điều chỉnh đầu tiên sau hai tuần đầu tăng 10 tăng rất sốc.
Do ở gần đáy cũ nên nhà đầu tư có xu hướng bắt đáy với hi vọng giá sẽ quay đầu tăng để làm "vòng mới". Thế nhưng chiều nay FLC xuất hiện một đợt bán quyết liệt kéo dài trọn của phiên và ép tới tận giá sàn lúc đóng cửa.
Khoảng 11,6 triệu FLC được xả ra chiều nay, chiếm 63% thanh khoản cả ngày. Diễn biến này cho thấy quyết tâm xả là rất cao. FLC hiện không còn nóng như cách đây 1 tháng với những kỳ vọng lớn lao về mệnh giá. Giao dịch hàng ngày đã giảm thanh khoản rất nhiều và cũng không còn các cục lệnh khổng lồ chặn đỡ nữa. Do đó lực xả đã đủ sức đẩy giá giảm hết biên độ.
Với việc rơi qua đáy gần nhất, toàn bộ nhà đầu tư mua FLC trong 20 phiên gần nhất mà chưa bán đều đã lỗ. Tính theo giá đóng cửa thì mức giảm từ đỉnh của FLC đến hôm nay khoảng 18,4%. Hai phiên đỉnh xả của FLC có thanh khoản lần lượt 46,8 triệu cổ và 31,4 triệu cổ.
Diễn biến đột ngột xấu của FLC cũng gây hại đến các mã đầu cơ cùng nhịp khác. HAI đầu phiên tăng kịch trần, chiều nay giảm kịch sàn, thanh khoản đạt mức kỷ lục 20 tháng với 15,7 triệu cổ. HAI trong 5 phiên gần nhất tăng gần 32%. TSC chỉ 4 phiên đầu tuần này đã tăng 20,6%, hôm nay bị xả xuống tận giá sàn. HVG buổi sáng tưởng cầm cự được sau phiên tạo đỉnh hôm qua, nhưng chứng kiến FLC, giá cũng lao thẳng xuống sàn. Tuy nhiên sóng tăng 185% chỉ trong 20 phiên cũng là quá khủng khiếp.
Thực tế nhóm đầu cơ cũng không hoàn toàn xấu. Vẫn có một số mã giao dịch ấm như SJF, CLG, DIC nhưng số này quá ít. Các mã đầu cơ bị bán tháo lại là những cổ phiếu đình đám nhất, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia nhất. Do vậy nếu các mã này biến động bất ngờ, rất nhiều người sẽ chịu ảnh hưởng.
VN-Index chiều nay diễn biến một chiều từ từ giảm. GAS vẫn gắng sức trụ giá, duy trì mức tăng 1,41% nhưng các mã khác lại yếu đi. VNM vẫn không xấu đi nhiều lắm chỉ mất thêm 100 đồng, đóng cửa giảm 2,22%. VIC đáng chú ý khi để mất 1000 đồng so với phiên sáng, chốt phiên chỉ tăng rất nhẹ 0,25%.
VCB là blue-chips tệ nhất, chiều nay rơi sâu thêm 600 đồng nữa so với phiên sáng, dẫn đến mức giảm chung cuộc 1,32%. BID cũng rất kém, giá đảo ngược hoàn toàn. Cuối phiên sáng BID còn tăng 0,12% so với tham chiếu, chiều này bị xả có vài trăm ngàn cổ (khoảng 13,3 tỷ đồng giá trị) mà giá đã cắm đầu giảm 1,18%.
Nhóm VNM, VCB, BID, MSN là 4 mã trụ yếu nhất thị trường hôm nay trong khi phía tăng chỉ duy nhất có GAS. Với cơ cấu trụ như vậy không có gì bất thường khi VN-Index càng lúc càng yếu. Đóng cửa chỉ số giảm 0,22% với 137 mã tăng/181 mã giảm, kém hơn rất nhiều so với phiên sáng (140 mã tăng/149 mã giảm). VN30-Index đóng cửa giảm 0,12% với 13 mã tăng/12 mã giảm.
Như vậy vẫn chỉ là nhóm blue-chips đang cố gắng ổn định thị trường, nhưng với độ rộng thu hẹp nhanh chóng chiều nay thì sự đuối sức đã lộ rõ ở các cổ phiếu vừa và nhỏ. VN30-Index giảm ít vì vẫn có VPB tăng 1,9%, VRE tăng 0,6%, TCB tăng 0,8%, MWG tăng 1,5%, những mã có ảnh hưởng riêng tới chỉ số này.
Thanh khoản phiên chiều đột ngột suy giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu yếu đi. Không tính ROS thì giao dịch thị trường chiều nay giảm tới 21% so với phiên sáng.
Khối ngoại bán ròng khá sốc hôm nay với gần 169 tỷ đồng rút khỏi cổ phiếu hai sàn, chưa kể chứng chỉ quỹ E1 bị bán ròng hơn 9 tỷ đồng nữa. VNM bị bán ròng cực mạnh 1,21 triệu cổ. ROS bị bán ròng hơn 1 triệu. POW, HPG, VCB, VIC, SSI cũng bị xả ròng lớn. Phía mua ròng chỉ có VRE là blue-chips.