16:44 25/08/2016

Chứng khoán chiều 25/8: Sóng gió ở TTF

Lan Ngọc

Đến chiều nay TTF mới được giao dịch và lập tức lượng hàng khổng lồ T+3 khiến giá chao đảo

VN-Index không tích cực hơn được bao nhiêu trong chiều nay.
VN-Index không tích cực hơn được bao nhiêu trong chiều nay.
Đến chiều nay TTF mới được giao dịch và lập tức lượng hàng khổng lồ T+3 khiến giá chao đảo. Tuy nhiên cuối cùng thì sóng gió cũng êm và TTF tiếp tục vi vu ở giá kịch trần.

Tới gần 9,91 triệu TTF được xả ra hôm nay, tương đương 99,8 tỷ đồng, là một áp lực cực lớn. Hôm nay là ngày mà 12,91 triệu cổ phiếu mua từ đáy 7.600 đồng về tài khoản. Lợi nhuận ngắn hạn quá tốt để từ chối.

Nhà đầu tư đã tung hàng ra bán và TTF mở cửa đã giảm nhẹ. Áp lực bán sau đó ép giá xuống tận mức sàn. Tuy nhiên khối lượng giao dịch lớn nhất là ở giá trần 10.400 đồng. TTF giằng co rất lâu ở giá này và chỉ vài phút cuối phiên mới chặn mua trần được.

Đóng cửa, TTF có vẻ đã “hết hàng” và tiếp tục giá trần với lượng chặn mua lớn. Như vậy hôm nay là phiên kịch trần thứ 4 liên tục. Trong vòng 2 phiên tới khối lượng hàng ngắn hạn về tài khoản không phải là lớn do trước đó TTF được đẩy trần theo kiểu tiết cung.

TTF là điểm sáng trong nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn rất mạnh hôm nay. Quả thực khi các blue-chip vật vã không tăng rõ ràng được. VN30 đóng cửa vẫn giảm 0,29% thì VNSmallcap tăng 0,37%.

Sàn HSX chứng kiến khá nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá mạnh với thanh khoản khá cao như LDG, DRH, C32, OGC, VNE, KMR, PPI, HAR, VNH, JVC. Toàn sàn HSX có 19 cổ phiếu kịch trần.

Mặc dù độ rộng là khá tốt với 105 mã tăng/98 mã giảm, nhưng VN-Index chốt phiên vẫn giảm 0,34%. Nguyên nhân là do VN30-Index giảm 0,29% với 14 mã giảm/8 mã tăng.

Các trụ là tai vạ của VN-Index chiều nay, ngăn cản khả năng phục hồi tốt hơn. Thực tế trong khoảng 40 phút đầu tiên, thị trường bò lên một chút. VN-Index cao nhất đạt tới 660,29 điểm, tức là chưa tới 0,5 điểm nữa là chạm vào tham chiếu. Các cổ phiếu lớn đã không “rướn” thêm được, bắt đầu lùi trở lại, kéo các chỉ số lùi theo.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đa phần là trung tính: VNM, VCB, MSN, BID, BVH trụ được tham chiếu. Các mã ảnh hưởng tệ nhất là GAS giảm 2,36%, VIC giảm 0,41%, CTG giảm 1,16%.

Nếu so với phiên sáng, rổ VN30 có tới 14 cổ phiếu giảm giá thấp hơn, chỉ 6 mã tăng thêm. SBT, HPG, FPT là 3 mã cải thiện nhiều nhất, trong đó SBT chốt tăng 0,28% so với tham chiếu, HPG tăng 4,12% theo giá tham chiếu điều chỉnh, FPT tăng 0,95%.

Ngoài ra KDC, HSG, PVD cũng tăng khá tốt so với tham chiếu, nhưng thực ra là không có tiến triển so với phiên sáng. Thậm chí PVD còn rơi 2 bước giá so với phiên sáng.

Sàn Hà Nội so với phiên sáng có phần tốt hơn về điểm số, nhưng độ rộng không cải thiện bao nhiêu. HNX-Index đóng cửa tăng 0,23% với 92 mã giảm/87 mã tăng. HNX30 giảm nhẹ 0,03% với 13 mã giảm/9 mã tăng.

HNX có lợi thế buổi chiều là ACB bật tăng 1,71%. Các cổ phiếu còn lại không có chuyển biến lớn, phổ biến là bớt giảm so với phiên sáng hoặc quay về tham chiếu.

Khối ngoại đã giảm bán khá nhiều hôm nay, nhất là tại các blue-chips. Rổ VN30 chỉ còn bị rút ròng 73,8 tỷ đồng so với mức 120,6 tỷ đồng hôm qua. Đây là mức rút ròng thấp nhất 9 phiên.

Tổng giá trị bán ra qua khớp lệnh của khối ngoại trên cả hai sàn giảm khoảng 17% so với phiên trước, đạt 201,1 tỷ đồng. Mua vào tăng 16%, đạt 131,8 tỷ đồng. Vị thế bán ròng vẫn được duy trì, nhưng quy mô đã thấp đi đáng kể.

Các blue-chips tuy được giảm bán, nhưng vẫn nằm trong danh sách bán ròng lớn nhất: PVD -32,2 tỷ đồng, MSN -24,4 tỷ, VIC -17,3 tỷ, HBC -9,3 tỷ, BID -5,7 tỷ. Phía mua chỉ có HSG +10,8 tỷ ròng và C32 +8,5 tỷ là đáng kể.