Chứng khoán chiều 26/2: VNM rơi thảm
Thị trường rất yếu trong phiên chiều do các blue-chips tiếp tục giảm sâu hơn. Đặc biệt VNM biến động lớn và tác động mạnh tới chỉ số theo cả hai chiều

Thị trường rất yếu trong phiên chiều do các blue-chips tiếp tục giảm sâu hơn. Đặc biệt VNM biến động lớn và tác động mạnh tới chỉ số theo cả hai chiều.
Chốt phiên sáng VNM đã giảm 1,72% so với tham chiếu nhưng riêng chiều nay cổ phiếu này thậm chí có lúc rơi tới 4,35%. Cũng giống như VHM hôm qua, đà tăng gấp gáp của VNM đã tạo phản ứng ngược: Nhà đầu tư chấp nhận bán quyết liệt để chốt lời. Chỉ riêng từ đầu tháng 2 tới nay VNM đã tăng trên 12%. Mức giá 146.100 đồng đóng cửa hôm nay mới đẩy những nhà đầu tư T3 vào ngưỡng lỗ, còn những nhà đầu tư mua trước vẫn lãi rất tốt.
Riêng phiên chiều VNM giảm 1,95% so với thời điểm cuối phiên sáng và đó đã là nhờ có một đợt đẩy giá về cuối ngày. Trong khoảng 10 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và đợt đóng cửa, VNM được kéo từ đáy 145.000 đồng lên 146.100 đồng, thu hẹp mức giảm chung cuộc xuống còn 3,63%.
Do vốn hóa lớn nên VNM trở thành cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất của VN-Index. VIC giảm 0,69% và GAS giảm 1,31%, PLX giảm 2,73% là 3 cổ phiếu khác rất nặng. Nhóm ngân hàng góp sức với VCB giảm 0,63%, TCB giảm 1,08%, VPB giảm 0,93%, HDB giảm 1,13%, MBB giảm 1,78%, BID giảm 1,18%.
VN30-Index đóng cửa giảm 1,06% với 7 mã tăng/22 mã giảm, trong đó 10 mã giảm trên 1%. Đáy thấp nhất của chỉ số này trong phiên chiều giảm 1,76%. Như vậy các blue-chips cũng phục hồi một chút ở những phút cuối.
Mức giảm 0,74% ở VN-Index hôm nay là phiên giảm đáng kể nhất trong 11 phiên vừa qua. Chỉ số này để mất ngưỡng 990 điểm từ sáng và chiều nay còn rơi có lúc thủng 980 điểm. Đợt phục hồi về cuối phiên cũng xuất phát từ nhịp hồi của các blue-chips. Dù vậy mặt bằng blue-chips vẫn thấp hơn đáng kể so với phiên sáng. Rổ VN30 ghi nhận 20 mã giảm so với phiên sáng, chỉ 6 mã tăng cao hơn.
Thanh khoản phiên chiều cũng khá ít, hai sàn khớp thêm 2.054,3 tỷ đồng, giảm 22% so với phiên sáng. Rổ VN30 không giao dịch mạnh thêm được, chỉ có HPG là vượt 100 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng đã tăng thanh khoản, nhưng đáng tiếc là do bị xả nhiều. MBB, VCB, HDB, TCB, BID... điều tăng thanh khoản và giá giảm sâu hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng 27,4 triệu VGC tương đương 548,5 tỷ đồng, khiến vị thế bán ròng tăng vọt lên 476,8 tỷ đồng hai sàn. Tuy nhiên khối này cũng đã giảm mua đáng kể. Cụ thể, trên HSX giá trị mua đạt 797,9 tỷ đồng giảm 24% so với hôm qua, trong khi bán ra 744,8 tỷ đồng. Như vậy HSX được mua ròng nhẹ. Trên HNX khối này bán 580,4 tỷ đồng và chỉ mua 50,5 tỷ đồng.