07:38 07/07/2023

Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh sau số liệu việc làm, giá dầu giằng co

Bình Minh

Giới đầu tư cho rằng với một thị trường việc làm còn mạnh như thế này, Fed còn phải tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (6/7), sau khi một báo cáo của khu vực tư nhân cho thấy số công việc mới trong tháng 6 vượt xa dự báo. Giá dầu thô gần như đi ngang, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa sự thắt lại của nguồn cung và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 366,38 điểm, tương đương giảm 1,07%, còn 33.922,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79%, còn 4.411,59 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,82%, còn 13.679,04 điểm.

Báo cáo hàng tháng của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ có thêm 479.000 công việc mới trong tháng 6. Con số này vượt xa mức 220.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Bản báo cáo làm dấy lên lo ngại về những động thái tiếp theo của Fed. Giới đầu tư cho rằng với một thị trường việc làm còn mạnh như thế này, Fed còn phải tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn để chống lạm phát.

Phản ánh mối lo trên, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Trong đó, lợi suất của trái phiếu 2 năm - kỳ hạn được xem là nhạy cảm nhất với chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, chạm mức cao nhất kể từ năm 2007.

Báo cáo của ADP chưa phải là số liệu kinh tế quan trọng nhất được công bố trong tuần này. Vào ngày thứ Sáu, thị trường sẽ đón nhận báo cáo việc làm tổng quát tháng 6 từ Bộ Lao động Mỹ. Về báo cáo này, giới chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 240.000 công việc mới trong tháng trước, giảm tốc từ con số 339.000 công việc mới ghi nhận trong tháng 5.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang trong những ngày đặc biệt nhạy cảm với các số liệu kinh tế, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất, trước mắt là trong cuộc họp vào cuối tháng này. Các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 91% Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group. Trong cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất thêm 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2023.

“Fed đang cho thấy họ sẵn sàng tiếp tục việc thắt chặt, nhưng thị trường không tin lắm về việc mọi việc sẽ diễn ra như đúng dự định của Fed. Khoảng cách giữa lãi suất cực đại theo dự dự báo ‘dot plot’ của Fed và với lãi suất cực đại theo dự báo của thị trường tuy hẹp nhưng chưa được đóng lại”, chiến lược gia trưởng về đầu tư trái phiếu của Schwab Center, bà Kathy Jones, nhận định với hãng tin CNBC.

Cả ba chỉ số đều đang tiến tới hoàn tất một tuần giảm điểm, với S&P 500 đã giảm khoảng 0,9% từ đầu tuần; Nasdaq giảm 0,8%; và Dow Jones giảm 1,4%.

Trên thị trường năng lượng, mối lo lãi suất còn tăng gây áp lực giảm lên giá dầu. Nhưng bù lại, giá “vàng đen” được hỗ trợ bởi nỗ lực thắt chặt nguồn cung của các nước xuất khẩu dầu lớn.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,13 USD/thùng, còn 76,52 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,01 USD/thùng, đạt 71,8 USD/thùng.

“Chúng ta đều biết là Fed muốn thị trường lao động dịu đi. Thị trường tài chính thì lo rằng Fed sẽ hành động quá đà khiến nền kinh tế suy thoái”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futrues Group nói với hãng tin CNBC.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sự thắt lại của nguồn cung. Lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 1,5 triệu thùng trong tuần trước, còn 452,2 triệu thùng, giảm nhiều hơn mức dự báo giảm 1 triệu thùng mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Reuters.

“Số liệu về lượng dầu tồn kho của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu trong phiên ngày hôm nay, nhưng thị trường vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo lãi suất tiếp tục tăng. Điều này diễn ra khi OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga, tái khẳng định cam kết hạn chế sản lượng khai thác dầu và lượng xuất khẩu dầu”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates nhận xét.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Đầu tuần này, hai nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga, đồng thời là hai thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, tuyên bố kéo dài kế hoạch giảm sản lượng dầu và giảm bớt khối lượng dầu xuất khẩu.

Tổng mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ hiện nay là hơn 5 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu.