Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh vì nỗi lo Italy
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh nhất 1 tháng
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh nhất 1 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi bất ổn chính trị ở Italy làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của khối sử dụng đồng tiền chung Eurozone và cổ phiếu các ngân hàng Mỹ đồng loạt giảm mạnh.
Kể từ cuộc bầu cử mà kết quả không nghiêng hẳn về đảng nào vào tháng 3, Italy đến nay vẫn chưa thể thành lập một chính phủ liên minh. Cùng với đó, chính trường Italy chứng kiến sự nổi lên ngày càng mạnh của các chính đảng theo trường phái phi truyền thống (anti-establishment) với chủ trương đưa Italy rời khỏi Eurozone. Ứng cử viên gần đây nhất cho cương vị Thủ tướng Italy đã không thể tập hợp được sự ủng hộ của các chính đảng lớn nhất ở nước này.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Rome và nguy cơ mà nó đặt ra đối với đồng Euro đã khiến giới đầu tư đổ xô mua vào những tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu kho bạc Mỹ. Do đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh, kéo giá cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ giảm theo.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc S&P 500 có ngày giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng, chốt phiên với mức giảm trên 4%.
"Mối liên hệ trực tiếp giữa vấn đề Italy với S&P 500 là rất ít, nhưng những gì đang xảy ra gián tiếp nhắc nhở mọi người về bất ổn địa chính trị", ông Ed Keon, chiến lược gia đầu tư trưởng thuộc QMA ở New Jersey, phát biểu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 1,58%, còn 24.361,45 điểm. S&P 500 giảm 1,16%, còn 2.896,86 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,5%, còn 7.396,59 điểm.
Giá các cổ phiếu ngân hàng lớn của Mỹ cũng chịu sức ép từ dự báo kết quả kinh doanh không khả quan như kỳ vọng mà JPMorgan Chase và Morgan Stanley đưa ra. Giám đốc phụ trách mảng khách hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư của JPMorgan Chase nói rằng doanh thu quý 2 của nhà băng này sẽ đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trưởng bộ phận quản lý tài sản của Morgan Stanley nói hoạt động của mảng này đã chậm lại từ tháng 3.
Cổ phiếu JPMorgan Chase khép lại phiên giao dịch với mức giảm 4,3%, trở thành cổ phiếu gây giảm điểm mạnh nhất đối với S&P 500. Cổ phiếu Morgan Stanley sụt 5,8%, giữ vai trò cổ phiếu gây giảm điểm mạnh thứ nhì đối với chỉ số này.
"Tình hình đang diễn biến theo hướng môi trường đối với các cổ phiếu ngân hàng không còn tuyệt vời nữa", ông Tim Ghriskey, chiến lược gia trưởng về đầu tư thuộc Inverness Counsel ở New York, đánh giá.
Cổ phiếu các công ty tăng lượng cũng giảm do giá dầu thô giao sau giảm dựa trên kỳ vọng Saudia Arabia và Nga có thể sẽ tăng sản lượng khai thác dầu để gia tăng nguồn cung dầu toàn cầu.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,49 lần số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,63 lần.
Có tổng cộng 7,58 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng trong phiên này, cao hơn so với mức bình quân 6,58 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.