Chứng khoán Mỹ giảm điểm trước thềm cuộc họp Fed, giá dầu xuống đáy 4 năm
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (5/5), chấm dứt chuỗi phiên 9 phiên tăng liên tiếp, khi nhà đầu tư theo dõi những diễn biến mới nhất của đàm phán thương mại và đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed)...

Giá dầu thô rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021 sau quyết định tăng mạnh sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,64%, còn 5.650,38 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,74%, còn 17,844,24 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 98,6 điểm, tương đương giảm 0,24%, còn 41.218,83 điểm.
Trước phiên giảm này, S&P 500 đã có 9 phiên tăng liên tiếp, chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ năm 2004.
Ở thời điểm đáy của phiên, Dow Jones giảm tới gần 254 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq mất hơn 1% mỗi chỉ số. Sau đó, cả ba thước đo cùng thoát đáy và chốt phiên với mức giảm hẹp hơn.
Dữ liệu do Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố ngày thứ Hai cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ở nước này trong tháng 4 diễn ra mạnh hơn dự báo, cho dù các nhà điều hành doanh nghiệp dịch vụ bày tỏ mối lo ngại ngày càng lớn về ảnh hưởng của thuế quan.
Tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall tiếp tục được cải thiện phần nào sau khi hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin nói rằng trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, Ấn Độ đã đề xuất mức thuế quan bằng 0 đối với thép, linh kiện ô tô và dược phẩm trên cơ sở có đi có lại và đối với một khối lượng hàng nhập khẩu nhất định.
Tuy vậy, cho tới thời điểm hiện tại, giới đầu tư và các nhà phân tích vẫn chưa thể chắc chắn về thời điểm mà Mỹ và các đối tác thuơng mại của nước này có thể đạt được những thỏa thuận cụ thể.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent nói “chúng tôi đã tiến rất gần một số thỏa thuận”. Trước đó vào hôm Chủ nhật, ông Trump nói có thể có thỏa thuận ngay trong tuần này.
“Chúng tôi đang đàm phán với nhiều quốc gia. Nhưng cuối cùng, tôi sẽ là người quyết định thỏa thuận chứ không phải họ”, ông Trump nói, và cho biết thêm ông chưa có kế hoạch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng dập tắt những hy vọng trước đó về việc đang có những bước tiến nhằm giải tỏa căng thẳng Mỹ - Trung.
Cùng ngày Chủ nhật, ông Trump áp thuế quan 100% lên các bộ phim sản xuất ở nước ngoài, cho rằng nỗ lực của các quốc gia khác trong việc thu hút hoạt động sản xuất phi ảnh là một “nguy cơ an ninh quốc gia” đối với Mỹ. Hiện chưa rõ thuế quan này sẽ áp lên phim chiếu rạp hay phim trên các nền tảng phát trực tuyến. Cổ phiếu Netflix giảm gần 2% và cổ phiếu Paramount giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ Hai do lo ngại về thuế quan này.
“Tôi thấy lo ngại. Tôi vốn đã hy vọng là tới thời điểm này đã phải có các thỏa thuận thương mại được công bố rồi. Nhưng giờ vẫn chưa có thỏa thuận nào. Tôi không cho là chúng ta đã thấy được hết tác động của thuế quan”, giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania nói với CNBC.
Nhà đầu tư còn thận trọng khi Fed chuẩn bị bước vào cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này. Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng chỉ 4,4% Fed giảm lãi suất trong lần họp này - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Điều mà nhà đầu tư quan tâm về cuộc họp sắp tới của Fed là bất kỳ bình luận nào từ Fed hay Chủ tịch Fed Jerome Powell về tình hình nền kinh tế và triển vọng cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,06 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, chốt ở mức 60,23 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 1,16 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 57,13 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu thô kể từ tháng 2/2021. Tính từ đầu năm, giá dầu đã giảm khoảng 20%. Trong phiên đầu tuần, giá dầu có lúc giảm khoảng 4%.
Dầu sụt giá sau khi một nhóm gồm 8 thành viên của liên minh OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia, hôm thứ Bảy nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu thêm 411.000 thùng trong tháng 6. Trước đó, OPEC+ đã tăng sản lượng với mức tăng tương tự trong tháng 5, nhiều gấp gần 3 lần mức tăng 140.000 thùng mà ngân hàng Goldman Sachs dự báo.
“Đánh giá chính của chúng tôi vẫn là công suất dự trữ của việc khai thác dầu đang ở mức cao và nguy cơ suy thoái kinh tế cũng cao, dẫn tới giá dầu nghiêng về giảm”, một báo cáo của Goldman Sachs hôm Chủ nhật nhận định. Ngân hàng đầu tư này cũng giảm 3 USD/thùng trong dự báo bình quân về giá dầu WTI năm nay, còn 56 USD/thùng.