07:51 17/11/2022

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vì dự báo bán lẻ ảm đạm, giá dầu lao dốc

Bình Minh

Dự báo kinh doanh ảm đạm của hãng bán lẻ Target làm dấy lên những lo ngại mới khi bước vào mùa nghỉ lễ cuối năm...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, khi dự báo kinh doanh ảm đạm của hãng bán lẻ Target làm dấy lên những lo ngại mới khi bước vào mùa nghỉ lễ cuối năm. Giá dầu thô cũng đi xuống sau khi một đường ống dẫn dầu Nga bị gián đoạn trước đó nối lại hoạt động.

Cổ phiếu Target sụt 13,1% sau khi hãng dự báo doanh thu mùa mua sắm cuối năm nay sẽ giảm. Áp lực giảm lan rộng sang các cổ phiếu bán lẻ khác, khiến Macy’s giảm hơn 8%, Best Buy cũng giảm hơn 8%, và Foot Locker giảm hơn 7%. Nhóm cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu thuộc chỉ số S&P 500 chốt phiên giảm 1,5%.

Cổ phiếu con chip tụt mạnh mạnh sau khi hãng chip Micron Technology tuyên bố sẽ giảm nguồn cung chip nhớ và tiếp tục cắt giảm thêm kế hoạch đầu tư cơ bản. Cổ phiếu Micron ghi nhận mức giảm 6,7%. Nhóm công nghệ thông tin trong S&P 500 giảm 1,4% và chỉ số Philadelphia SE Semiconductor - một thước đo cổ phiếu chip - sụt 4,3%.

“Vấn đề lớn nhất của nhóm ngành chính là dự báo của Target và ý nghĩa của dự báo này đối với bán lẻ và tiêu dùng nói chung. Tôi cho rằng điều đó đã chi phối diễn biến của thị trường phiên này”, CEO Chrrles Carlson của Horizon Investment Services nói với hãng tin Reuters.

Theo ông Carlson, thông tin từ Micron “chắc chắn đang khiến một số nhà đầu tư cổ phiếu công nghệ chốt lời nhanh sau mấy phiên tăng vừa rồi, vì có vẻ như các yếu tố nền tảng trong lĩnh vực công nghệ vẫn chưa hề được cải thiện là mấy”.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 39,09 điểm, tương đương giảm 0,12%, còn 33.553,83 điểm. S&P 500 giảm 0,83%, còn 3.958,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 1,54%, còn 11.183,66 điểm.

Một số nhóm cổ phiếu tăng giá như nhóm tiện ích tăng 0,9% và nhóm tiêu dùng thiết yếu tăng 0,5% đã giúp hạn chế bớt mức giảm của S&P 500.

Dù Target đưa ra dự báo ảm đạm, số liệu thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 vẫn tăng mạnh hơn dự báo do các hộ gia đình ở nước này đẩy mạnh việc mua sắm những mặt hàng giá trị lớn như ô tô. Đây là một dấu hiệu cho thấy tiêu dùng có thể đã khởi sắc trong thời gian đầu của quý 4.

Giá cổ phiếu ở Phố Wall đã tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây, sau khi số liệu lạm phát yếu hơn dự báo làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất chậm lại.

“Thị trường đã phục hồi tốt từ mức đáy và sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, vẫn đang có nhiều vấn đề để cẩn trọng và nghiền ngẫm khi bước vào giai đoạn cuối năm”, chuyên gia George Catrombone của DWS Group nhận định.

Thống đốc Christopher Waller của Fed, một người thường đưa ra quan điểm cứng rắn về lạm phát, ngày 16/11 nói rằng ông giờ đây “cảm thấy thoải mái hơn” với việc tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn trong thời gian tới vì các số liệu cho thấy giá cả tăng chậm lại.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 92,86 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York trượt 1,33 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 85,59 USD/thùng.

Thành quả tăng vào đầu phiên của giá dầu đã không thể duy trì sau khi Ngoại trưởng Hungari Peter Szijarto cho biết dòng chảy dầu thô qua đường ống Druzhba từ Nga đã được nối lại sau một khoảng thời gian gián đoạn ngắn.

Giá dầu thoát khỏi đáy của phiên sau khi báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô giảm mạnh hơn dự báo. Mức giảm được công bố là 5,4 triệu thùng trong tuần trước, so với mức dự báo giảm 440.000 thùng.

Ngoài ra, Petro-Logistics, một công ty theo dõi tàu chở dầu, cho biết xuất khẩu dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã giảm mạnh từ đầu tháng tới nay.

Tuy nhiên, giá dầu tiếp tục chịu áp lực giảm từ tình hình Covid-19 ở Trung Quốc, nơi những đợt bùng dịch liên tiếp và rải rác khiến các biện pháp hạn chế được áp dụng trở đi trở lại.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ chỉ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, từ mức 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay.