Chứng khoán Mỹ giữ đà tăng, giá dầu lên đỉnh 3 tháng
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/7), khi một báo cáo mới tiếp tục cho thấy sự xuống thang của lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới...
Kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sắp đạt đỉnh góp phần đưa giá dầu duy trì xu thế tăng của những phiên gần đây, đạt mức cao nhất trong 3 tháng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 47,71 điểm, tương đương tăng 0,14%, đạt 34.395,14 điểm. Chỉ số S&P 500 có phiên tăng thứ tư liên tiếp, với mức tăng 0,85%, đạt 4.510,04 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,58%, đạt 14.138,57 điểm.
Sau báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ tiếp tục công bố một báo cáo lạm phát quan trọng nữa là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Dữ liệu cho thấy PPI tháng 6 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo tăng 0,2% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. PPI lõi, chỉ số không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,1% - cũng là một mức tăng thấp hơn so với dự báo.
Những dữ liệu này là sự tiếp nối của dữ liệu CPI cho thấy lạm phát ở Mỹ đang giảm nhanh hơn dự báo. Điều này giúp củng cố khả năng Fed có thể sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất, đồng nghĩa chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của ngân hàng trung ương Mỹ sắp đi đến hồi kết.
Tuy nhiên, số liệu thống kê hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt, nên áp lực lạm phát chưa được giải toả hoàn toàn.
“Chỉ số PPI xác nhận xu hướng dịu đi của lạm phát đã được thể hiện trong báo cáo CPI ngày hôm qua, nhưng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua ít hơn so với dự báo là một sự nhắc nhở rằng thị trường lao động còn thắt chặt”, ông Mike Loewengart, Trưởng bộ phận xây dựng danh mục mô hình của Morgan Stanley Global Investment Office, phát biểu với hãng tin CNBC.
“Trước mắt, câu chuyện có vẻ sẽ là như thế này: Fed vẫn sẽ tăng lãi suất sau khoảng 2 tuần nữa, và nhà đầu tư sẽ dịch chuyển trọng tâm chú ý sang bảng cân đối kế toán của các công ty niêm yết vì mùa báo cáo tài chính đã bắt đầu”, ông Lowengart nói.
Một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích có quan điểm lạc quan cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một trạng thái tốt: lạm phát giảm nhiệt mà nền kinh tế không suy yếu nhiều, có nghĩa là các đợt tăng lãi suất của Fed có thể sẽ không gây ra một cuộc “hạ cánh cứng”. Tuy nhiên, nhiều tổ chức dự báo lớn vẫn tin rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ông Bill Merz, giám đốc đầu tư cấp cao của U.S. Bank Wealth Management, nhận định: “Hầu hết giá chỉ số chứng khoán và trái phiếu đều tăng trong ngày hôm nay do dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát đã giảm nhanh chóng và thị trường lao động vẫn mạnh. Sự lạc quan rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào cổ phiếu trong lúc chờ đợi báo cáo tài chính của quý 2. Nhà đầu tư cũng mua trái phiếu vì đoán rằng Fed sẽ chỉ một đợt tăng lãi suất nữa trước khi họ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm 2024”.
Một số chuyên gia khác không phủ nhận khả năng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục tăng điểm trong nửa cuối của năm nay.
Chuyên gia Ross Mayfield của Baird nhận định: “Thị trường đã mạnh từ đầu năm đến nay và với những thách thức kinh tế vĩ mô hiện nay, chúng tôi cho rằng những dự báo về sự giảm điểm cuối năm nay của thị trường sẽ gia tăng. Nhưng hãy nhớ rằng, năm nào mà thị trường tăng điểm vào đầu năm, thì đó là một dấu hiệu tăng giá của cả năm, chứ không phải là một dấu hiệu giảm giá. Một sự khởi đầu tốt của năm thường báo trước một thị trường vững chắc trong nửa cuối năm.”
Chứng khoán Mỹ đã tăng từ đầu tuần đến nay, với S&P 500 tăng 2,5%; Dow Jones tăng 1,9%; và Nasdaq vọt 3,5%. Với mức tăng này, Nasdaq đang tiến tới hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 17/3.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,25 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, chốt ở 81,36 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 81,57 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 25/4.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 76,89 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 77,13 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 26/4.
Giá dầu được hỗ trợ bởi kỳ vọng lãi suất Fed như đề cập ở trên, cộng thêm việc đồng USD rớt giá mạnh sau khi báo cáo PPI được công bố. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
“Chúng ta có những con số lạm phát rất thấp trong ngày hôm nay”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định khi nói về động lực tăng giá cho dầu trong phiên này.
Giá dầu đã tăng hơn 11% trong vòng 2 tuần trở lại đây, và nhà phân tích cấp cao Craig Erlam của Oanda cho rằng nguyên nhân chính là nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của các nước sản xuất dầu lớn gồm Saudi Arabia và Nga.
Cấu trúc hợp đồng tương lai của dầu Brent - loại dầu giữ vai trò tham chiếu của thị trường dầu toàn cầu - phản ánh một thị trường đang thắt chặt và OPEC có thể đang thành công trong việc nâng đỡ giá dầu.
Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố hôm thứ Năm dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, mặc dù những khó khăn kinh tế gia tăng và lãi suất tăng có nghĩa là mức tăng sẽ thấp hơn một chút so với dự đoán trước đó.
Một báo cáo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), cũng được công bố vào ngày thứ Năm, duy trì triển vọng lạc quan về nhu cầu dầu thế giới bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế. OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2023 và dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu chỉ giảm nhẹ vào năm 2024, với Trung Quốc và Ấn Độ được cho là sẽ tiếp tục tiêu thụ nhiều dầu hơn.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, đà phục hồi kinh tế sau đại dịch đã chậm lại, với xuất khẩu giảm vào tháng trước với tốc độ nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát 3 năm trước - số liệu hải quan nước này cho biết.