08:14 13/07/2023

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng mạnh sau báo cáo lạm phát

Bình Minh

“Rõ ràng, dữ liệu CPI chúng ta có ngày hôm nay chính là những gì mà giới đầu cơ giá lên muốn chúng kiến"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi đón báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) yếu hơn dự báo - nhân tố giúp xoa dịu nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải gây ra một cuộc suy thoái mới có thể khống chế được lạm phát. Hy vọng khấp khởi về việc Fed sắp dừng hẳn việc tăng lãi suất cũng giúp giá dầu thô vượt qua ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 86,01 điểm, tương đương tăng 0,25%, chốt ở 34.347,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,74%, đạt 4.472,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,15%, đạt 13.918,96 điểm.

Bản báo cáo được chờ đợi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 6, CPI của nước này tăng 3%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng 4% ghi nhận trong tháng 5. Nếu so với tháng trước, CPI tăng 0,2%.

Các mức tăng cả năm và theo tháng này đều thấp hơn so với dự báo tăng tương ứng 3,1% và 0,3% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng, vốn là hai nhóm có nhiều biến động, CPI lõi tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn các con số dự báo tương ứng lần lượt là 5% và 0,3%. Ngoài ra, mức tăng CPI lõi cả năm là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Trao đổi với hãng tin Reuters, Giám đốc phụ trách giao dịch cổ phiếu của Wedbush Securities, ông Michael James, nói rằng đến cuối giờ chiều, các chỉ số không còn giữ được mức cao của phiên nhưng “các nhà đầu cơ giá lên vẫn giữ vững vị thế kiểm soát thị trường”.

“Rõ ràng, dữ liệu CPI chúng ta có ngày hôm nay chính là những gì mà giới đầu cơ giá lên muốn chúng kiến. Những người đứng ngoài thị trường chờ giá giảm chắc chắn cảm thấy hối tiếc”, ông James nói.

Cùng quan điểm lạc quan, chuyên gia Tom Lee của Fundstrat nói với hãng tin CNBC rằng với báo cáo lạm phát mới nhất, kỳ vọng về sự nới lỏng của Fed trong tương lai, và diễn biến thị trường chứng khoán gần đây vẽ nên một bức tranh rằng thị trường “đang hành xử nghiêng về một kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế” - điều mà nhiều người ở thời điểm đầu năm 2023 đã cho là không thể đạt được.

“Tôi nghĩ là Fed có vẻ đã bắt đầu chấp nhận rằng áp lực lạm phát đang dịu đi, nên họ có thể giảm bớt ý tưởng về giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, hoặc chí ít là thị trường cũng bắt đầu phản ánh điều đó vào giá các tài sản. Đây chưa phải là một sự đảm bảo, nhưng chúng tôi tin câu chuyện đi theo hướng như vậy”, ông Lee nhận định.

Sau báo cáo CPI, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát chủ chốt khác, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm. Tương tự như chỉ số CPI, số liệu PPI cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết sách của Fed về chính sách tiền tệ.

Sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 92% Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng này - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME Group. Một số nhà đầu tư và chuyên gia tin rằng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất một lần này nữa, thay vì tăng thêm 2 lần trong năm 2023 như dự báo mà Fed đưa ra hồi tháng 6.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 80,11 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,92 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, đạt 75,75 USD/thùng.

Ngoài số liệu lạm phát yếu, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự báo về sự thắt chặt của nguồn cung dầu.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự báo thị trường dầu sẽ thắt chặt sang năm 2024. IEA nhận định nguồn cung dầu sẽ siết lại từ nửa sau của năm nay do nhu cầu mạnh của Trung Quốc và các nước đang phát triển, cộng thêm nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn.

“Nguồn cung dầu đang siết lại, do triển vọng nguồn cung giảm và nhu cầu tăng. Nếu cả hai điều này xảy ra cùng một lúc, tác động đến giá dầu sẽ rất lớn”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil nhận định. “Rõ ràng, mối lo kinh tế toàn cầu có thể suy thoái vì lạm phát cũng không thể chi phối giá dầu nhiều như vậy”.