Chứng khoán Mỹ lại mất điểm, dầu thô giảm sốc vì đồng USD tăng giá
Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Năm không thể giúp ích gì đáng kể trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/9), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm những số liệu kinh tế trái chiều và tiếp tục bị ám ảnh bởi nỗi lo lãi suất. Giá dầu thô sụt hơn 3% vì đồng USD lên giá và mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tụt 1,13%, còn 3.901,35 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 173,27 điểm, tương đương giảm 0,56%, còn 30.961,82 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,43%, còn 11.552,36 điểm.
Cổ phiếu hãng phần mềm Adobe gây áp lực giảm mạnh lên Nasdaq và S&P 500 khi “bốc hơi” hơn 16% sau khi công ty tuyên bố mua lại Figma với giá 20 tỷ USD. Nhiều cổ phiếu công nghệ khác “vạ lây” Adobe, như Apple giảm 1,9% và Salesforce mất 3,4%.
Cổ phiếu ngân hàng là một điểm sáng trong phiên này, với Goldman Sachs và JPMorgan Chase cùng tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu.
Phố Wall đang cố gắng đứng vững trở lại sau khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ Ba tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng mạnh hơn dự báo. Số liệu đó đã khiến chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Dow Jones sụt hơn. 1.200 điểm. Thành quả của phiên phục hồi khiêm tốn vào ngày thứ Tư lại bị quét sạch trong phiên ngày thứ Năm.
Các số liệu kinh tế công bố ngày thứ Năm không thể giúp ích gì đáng kể trong việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu khả quan hơn dự báo, nhưng giá hàng hoá nhập khẩu giảm ít hơn kỳ vọng. Doanh thu bán lẻ vượt dự báo, nhưng lại âm nếu không tính nhóm ô tô. Dữ liệu ngành sản xuất cũng cho thấy một nền kinh tế đang giảm tốc.
Những con số thống kê này cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Mỹ đang bám trụ tốt, nhưng điều đó không thể giúp giải toả nỗi lo về lạm phát dai dẳng. Nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải quyết liệt hơn nữa trong việc tăng lãi suất để chống lại lạm phát, từ đó làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Fed cần phải lựa chọn liều thuốc đắng. Liệu thị trường có tiếp tục đứng vững khi thời gian tới Fed tiếp tục chống lạm phát và nền kinh tế có thể suy thoái và thất nghiệp có thể tăng lên? Đây thực sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng tôi nghĩ rằng với những gì chúng ta đã nghe được từ Fed, thì mục tiêu chính của Fed bây giờ là chống lạm phát”, nhà quản lý danh mục Mike Loewengart của Morgan Stanley nói với hãng tin CNBC.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 3,5%, chốt ở 90,84 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tụt 3,38 USD/thùng, tương đương giảm 3,8%, còn 85,1 USD/thùng.
“Thủ phạm” khiến giá dầu trượt dốc phiên này là đồng USD tăng giá và duy trì ở mức cách không xa vùng đỉnh 20 năm thiết lập vào tuần trước. Đồng bạc xanh đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng Fed tiếp tục tưang mạnh lãi suất.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Lãi suất tăng trên toàn cầu có thể gây suy thoái kinh tế, kéo theo nhu cầu dầu. Tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm dần và ngưng trệ trong quý 4 năm nay.
Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi nỗi lo về nguồn cung thắt lại, nhất là khi Liên minh châu Âu tiến tới thực thi lệnh cấm vận dầu thô Nga từ đầu tháng 12 năm nay.
“Đang có nhiều lực lượng cùng lúc chi phối giá dầu. Sự bấp bênh về kinh tế và đồng USD mạnh đang là những trở ngại đối với khả năng tăng giá của dầu”, chuyên gia Craig Erlam của công ty môi giới Oanda nhận định trên Reuters.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil cho rằng giá dầu Brent ít có khả năng chinh phục lại mốc 100 USD/thùng, nhưng có vẻ như đã tìm được vùng đáy ở ngưỡng 90 USD/thùng nhờ mối lo về nguồn cung.