Chứng khoán Mỹ và giá dầu “hồi sức” sau phiên bán tháo
“Phiên ngày hôm nay là thời gian để chăm sóc ‘vết thương’ mà phiên trước gây ra. Đây là lúc thị trường nghỉ ngơi một chút, và dù sao đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng”...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (14/9), khi nhà đầu tư gượng dậy sau phiên bán tháo mạnh nhất hơn 2 năm vào hôm thứ Ba. Giá dầu cũng tăng khá mạnh do mối lo về nguồn cung thắt chặt.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 30,12 điểm, tương đương tăng 0,1%, chốt ở 31.135,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,34%, đạt 3.946,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,74%, đạt 11.719,68 điểm.
Hãng vaccine Moderna là một trong những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự phục hồi của Nasdaq trong phiên này, tăng hơn 6%. Tesla tăng 3,6% và Apple tăng 1% cũng là những trụ đỡ cho chỉ số.
Phiên phục hồi khiêm tốn diễn ra sau khi thị trường bán tháo trong phiên ngày thứ Ba – khi Dow Jones mất gần gần 4%, S&P 500 sụt 4,3%, và Nasdaq “bốc hơi” 5,2%, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 6/2020.
Cổ phiếu bị bán dữ dội hôm thứ Ba sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 cho thấy lạm phát vẫn leo thang và nóng hơn dự báo, bất chấp giá xăng dầu giảm. Dữ liệu này đẩy cao khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát.
Hiện tại, thị trường đang tính đến khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy tròn 1 điểm phần trăm trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới. Theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME, giới đầu tư đang đặt cược khả năng 22% bước nhảy lãi suất “siêu khủng” này sẽ được áp dụng. Thị trường vẫn đang nghiêng nhiều hơn về khả năng Fed nâng lãi suất 0,75% trong lần họp này.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích lo ngại chứng khoán Mỹ có thể tụt về mức đáy của tháng 6 hoặc thậm chí sâu hơn.
“Phiên bán tháo ngày thứ Ba là một sự nhắc nhở rằng để phục hồi bền vững, thị trường cần có những bằng chứng rõ ràng cho thấy một xu hướng giảm thực sự của lạm phát. Với mức độ bấp bênh về kinh tế vĩ mô và chính sách gia tăng, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ còn biến động nhiều trong những tháng sắp tới”, CIO Mark Haefele của công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management nhận định.
Thêm dữ liệu lạm phát được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày thứ Tư, và đó là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Dữ liệu được đưa ra không có chênh lệch so với dự báo, theo đó mang lại một chút giải toả cho tâm lý nhà đầu tư, như một sự đảm bảo rằng lạm phát thực chất đang xuống thang, dù rất chậm. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ hiện vẫn còn rất cao so với mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
“Phiên ngày hôm nay là thời gian để chăm sóc ‘vết thương’ mà phiên trước gây ra. Đây là lúc thị trường nghỉ ngơi một chút, và dù sao đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng”, chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của công ty Carson Group nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,61 USD/thùng, tương đương tăng 1,8%, chốt ở 94,78 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,89 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở 89,2 USD/thùng.
“Cú huých” cho giá dầu đi lên trong phiên này là một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp dự báo sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, nhất là Trung Quốc, sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới đi ngang trong quý 4 năm nay.
Tuy nhiên, IEA cũng cho rằng sẽ có một sự dịch chuyển lớn từ khí đốt sang dầu để sưởi ấm trong mùa đông năm nay do giá khí đốt quá đắt đỏ. Sự dịch chuyển này sẽ dẫn tới việc có bình quân 700.000 thùng dầu mỗi ngày được dùng cho việc sưởi ấm trên toàn cầu trong thời gian từ tháng 10/2022-3/2023, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo này, cùng với kỳ vọng về sự thắt chặt nguồn cung dầu, đã giúp giá dầu “vùng lên” sau phiên giảm vào ngày thứ Ba.
Trong một báo cáo hôm thứ Ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 và 2023 sẽ mạnh hơn dự báo vì có những dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang chống chọi tốt hơn dự báo với những thách thức như lạm phát tăng cao.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và châu Âu, cũng như sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc dưới sức ép từ chính sách Zero Covid và khủng hoảng bất động sản. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu cộng thêm việc đồng USD tăng giá mạnh cũng khiến giá dầu khó bứt phá.