Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu tiếp tục giảm
Tuy xu hướng tăng duy trì, chứng khoán Mỹ đang đương đầu áp lực giảm từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc...
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/10) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, với Nasdaq thiết lập kỷ lục mới do nhà đầu tư hưng phấn trước khi một loạt công ty công nghệ vốn hóa lớn công bố báo cáo tài chính, nhưng Dow Jones giảm điểm. Giá dầu thô tiếp tục giảm sau thông tin tích cực về xung đột vũ trang ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, Nasdaq tăng 0,78%, đạt mức chốt phiên cao chưa từng thấy 18.712,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,16%, đạt 5.832,92 điểm. Riêng Dow Jones giảm 0,36%, còn 42.233,05 điểm.
Alphabet, Snap, Reddit và AMD là những công ty công nghệ đáng chú ý sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 vào ngày 29/10, sau khi thị trường đóng cửa phiên giao dịch chính thức. Hai “gã khổng lồ” Meta Platforms và Microsoft sẽ công bố báo cáo vào ngày 30/10, tiếp đó là Apple vào ngày 1/11.
Do nhà đầu tư lạc quan về tình hình và triển vọng lợi nhuận của các công ty công nghệ, cổ phiếu của các công ty này được mua mạnh trong thời gian gần đây và xu thế này tiếp diễn trong phiên ngày thứ Ba. Một ngày trước khi công bố báo cáo tài, cổ phiếu Meta chốt phiên với mức tăng 2,6% trong khi Alphabet tăng 1,8%.
“Định giá cổ phiếu đang cao. Tôi cho rằng nhà đầu tư cần mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn để chấp nhận được hệ số P/E cao hơn này”, trưởng chiến lược Sam Stovall của công ty CFRA Research nhận định.
Tuần này sẽ là tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo tài chính đang diễn ra, với hơn 150 công ty thành viên S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trước khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Tuy xu hướng tăng duy trì, chứng khoán Mỹ đang đương đầu áp lực giảm từ đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới của 3 tháng trở lại đây.
Lợi suất trái phiếu tăng do gần đây có nhiều dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ còn vững, đồng nghĩa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm tốc độ hạ lãi suất. Ngoài ra, lợi suất tăng còn do nhà đầu tư nghiêng về khả năng cựu Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tuần tới, bởi các chính sách của ông Trump được dự báo sẽ gây thâm hụt ngân sách và lạm phát nhiều hơn so với chính sách của bà Harris.
Trưởng kỹ thuật thị trường của công ty BTIG, ông Jonathan Krinsky, tin rằng thị trường sẽ còn biến động trong những ngày tới, vì chỉ còn 5 ngày giao dịch nữa là đến ngày bầu cử. Chưa kể, trong tuần này còn có nhiều số liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, gồm các báo cáo GDP, lạm phát và việc làm.
“Thị trường sẽ không sụt giảm mạnh, nhưng mức độ biến động sẽ tăng lên trong những tuần tới”, ông Krinsky nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,3 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, chốt ở mức 71,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,17 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 67,21 USD/thùng.
Trước đó, giá hai loại dầu đã giảm hơn 6% trong phiên ngày thứ Hai do tình hình Trung Đông có dấu hiệu bớt căng thẳng. Ngày thứ Ba, tin tốt tiếp tục đến khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến tổ chức một cuộc gặp để bàn giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến tranh ở Lebanon. Tình hình Trung Đông tốt lên khiến phần bù rủi ro trong giá dầu giảm mạnh.
Cùng với đó, nhu cầu dầu suy yếu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - tiếp tục là một nguồn áp lực mất giá đối với dầu. “Thị trường dầu đang cố gắng hồi phục, nhưng tiếp tục đương đầu sức ép từ tình trạng nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc và những mối lo về nguồn cung gia tăng”, Chủ tịch Andrew Lipow của công ty tư vấn Lipow Oil Associates nhận định.