07:36 21/11/2023

Chứng khoán Mỹ tăng 5 phiên liên tiếp, giá dầu nhảy 2% vì OPEC+ có thể giảm thêm sản lượng

Bình Minh

Công nghệ và dịch vụ truyền thông là hai nhóm tăng mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/11), với sự dẫn dắt của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Microsoft và Nvidia. Giá dầu thô tăng hơn 2% do nhà đầu tư kỳ vọng đợt giảm gần đây của giá dầu và nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng có thể dẫn tới việc nhóm OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 203,76 điểm, tương đương tăng 0,58%, chốt ở mức 35.151,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,74%, đạt 4.547,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,13%, đạt 14.248,53 điểm. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq.

Cổ phiếu Microsoft tăng 2%, đạt mức cao nhất 52 tuần, sau khi CEO Satya Nadella tuyên bố cựu CEO Sam Altman của công ty trí tuệ nhân tạo OPen AI sẽ gia nhập Microsoft và đứng đầu một đội nghiên cứu AI mới của “gã khổng lồ” phần mềm. Cổ phiếu Nvidia tăng 2,3%, đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại ngay trước thềm báo cáo tài chính quý 3 dự kiến được hãng sản xuất con chip hàng đầu thế giới này công bố vào ngày thứ Ba.

Công nghệ và dịch vụ truyền thông là hai nhóm tăng mạnh nhất phiên này trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, với mức tăng tương ứng là 1,5% và 1%.

Thị trường đã tăng điểm mạnh trong tuần trước, sau khi số liệu lạm phát yếu hơn dự báo của Mỹ làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất ở đây và đẩy đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024 lên sớm hơn. Ngày thứ Ba, thị trường sẽ đón nhận biên bản cuộc họp ngày 31/10-1/11 của Fed, với hy vọng sẽ có được một cái nhìn sâu hơn về quyết định lãi suất của Fed và định hướng sắp tới của ngân hàng trung ương này. Dữ liệu từ thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng gần 100% Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12.

Phiên đấu giá trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 20 năm diễn ra vào ngày thứ Hai cũng nhận được lực cầu mạnh từ nhà đầu tư, nhờ đó lợi suất giảm xuống. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gần đây là một động lực tăng giá cho cổ phiếu. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm đang ở mức 4,414%, sau khi vượt 5% lần đầu tiên trong 16 năm vào cuối tháng 10.

“Một trong những chất xúc tác cho đợt tăng giá cổ phiếu kể từ cuối tháng 10 tới nay chính là việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm hơn nửa điểm phần trăm. Sự sụt giảm này của lãi suất giúp hỗ trợ giá trị tài sản”, chiến lược gia Tom Hainlin của công ty Ascent Private Capital Management nhận định với hãng tin CNBC.

Tuy nhiên, ông Hainlin cũng nói thêm rằng việc Chính phủ Mỹ ồ ạt vay nợ để chi tiêu trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng lớn là một rủi ro có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn. “Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến biến động trên thị trường trái phiếu, nhưng sự sụt giảm của lợi suất cho đến thời điểm này đang hỗ trợ cho giá của các tài sản rủi ro”, ông nói.

Tuần này sẽ là một tuần giao dịch bị rút ngắn của chứng khoán Mỹ, vì thị trường sẽ đóng cửa nghỉ lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm và phiên ngày thứ Sáu sẽ diễn ra trong thời gian ngắn hơn so với thường lệ. Lịch sử những năm gần đây cho thấy thị trường thường biến động ở thời điểm xung quanh lễ Tạ ơn, nhưng tháng 11 vẫn là tháng tăng điểm mạnh nhất hàng năm của S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall.

Giá dầu thô Brent giao tháng 1 tại London tăng 1,71 USD/thùng, tương đương tăng 2,12%, chốt phiên đầu tuần ở mức 82,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 12 tại New York tăng 1,71 USD/thùng, tương đương tăng 2,25%, chốt ở mức 77,6 USD/thùng.

Tính đến tuần trước, giá cả hai loại dầu đã giảm liên tục 4 tuần do mối lo về triển vọng nhu cầu tiên thụ dầu. Phiên hồi giá này của “vàng đen” là sự nối tiếp phiên tăng 4% vào hôm thứ Sáu, và đến từ khả năng OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, có thể cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu để vực dậy giá dầu. Cuộc họp chính sách sản lượng sắp tới của nhóm này sẽ diễn ra vào ngày 26/11.

Giá dầu hiện đã giảm khoảng 20% kể từ cuối tháng 9, dẫn tới tình trạng “contago” - giá của các hợp đồng gần đến lúc giao cao hơn giá của các hợp đồng giao các tháng sau đó. Tình trạng này phản ánh khả năng thị trường đang đủ hoặc thừa cung.

“Xét tới sự suy yếu của các nhà đầu cơ giá lên, OPEC+ hẳn sẽ có một phản ứng nào đó trong cuộc họp sắp tới”, nhà môi giới Tamas Varga của công ty PVM Oil phát biểu. “Nếu họ giảm thêm sản lượng dầu, giá dầu có thể nhận được một cú huých trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn, ảnh hưởng của việc đó đối với giá dầu có vẻ sẽ không lớn, bởi không ai có thể đảm bảo chắc chắn vấn đề tuân thủ đúng mức sản lượng đề ra”.