Chứng khoán Mỹ tăng 3 tuần liên tiếp, giá dầu giảm 4 tuần không nghỉ
Động lực tăng điểm cho chứng khoán Mỹ tuần này là các báo cáo lạm phát làm dấy lên hy vọng rằng đã đến lúc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể kết thúc lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/11), hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tiếp trong xu hướng tăng rực rỡ của tháng 11. Giá dầu hồi hơn 4% sau mấy phiên bán tháo liên tiếp, nhưng đánh dấu chuỗi 4 tuần đi xuống do mối lo về nhu cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,13%, chốt ở mức 4.514,02 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,81 điểm, tương đương tăng 0,01%, đạt 34.948,28 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,08%, đạt 14.125,48 điểm.
Tính cả tuần này, S&P 500 tăng 2,2%; Nasdaq tăng 2,4% và Dow Jones tăng 1,9%. Với tuần tăng này, Dow Jones và S&P 500 cùng có chuỗi 3 tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 7. Đối với Nasdaq, đây là chuỗi 3 tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 6.
Động lực tăng điểm cho chứng khoán Mỹ tuần này là các báo cáo lạm phát làm dấy lên hy vọng rằng đã đến lúc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể kết thúc lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt.
Sau đợt bán tháo của quý 3, thị trường đã tăng mạnh kể từ khi bước sang tháng 11. Nếu tính từ đầu tháng, S&P 500 đã tăng 7,6%; Dow Jones tăng 5,7%; và Nasdaq tăng 9,9%.
“Tôi cho rằng câu hỏi cho thời gian còn lại của năm nay không phải là liệu thị trường có kết thúc năm trong xu hướng tăng hay không, bởi vì nhiiều khả năng chúng ta sẽ kết thúc năm trong một xu hướng như vậy”, giám đốc đầu tư Scott Ladner của Horizon Investments nhận định với hãng tin CNBC.
Thay vào đó, ông Ladner tin rằng cuộc tranh luận trên thị trường sẽ xoay quanh việc đâu sẽ là những nhóm cổ phiếu và thị trường dẫn đầu xu hướng tăng. “Liệu đó sẽ là những cổ phiếu vốn hoá nhỏ hay các thị trường mới nổi, những đối tượng đã thất bại trong năm 2023? Hay đó vẫn sẽ là các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã tăng giá mạnh trong năm nay?”
Theo giới phân tích, từ nay đến hết năm, triển vọng chính sách tiền tệ của Fed vẫn là nhân tố chi phối chủ đạo đối với chứng khoán Mỹ nói riêng và thị trường tài chính toàn cầu nói chung. Một số quan chức Fed phát biểu ngày 17/11 không đưa ra một quan điểm đồng nhất, khiến nhà đầu tư cảm thấy khó đoán định.
Phó chủ tịch Fed Michael Barr nói ông tin rằng Fed đã đạt tới hoặc đang gần đạt tới mức lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly và Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins lại nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm bằng chứng về sự giảm nhiệt của lạm phát.
Nhưng dù sao, thị trường vẫn đang nghiêng về khả năng Fed không tăng lãi suất thêm nữa và sẽ sớm có đợt hạ lãi suất đầu tiên trong năm 2024. Hy vọng này khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ liên tục giảm gần đây sau khi lập đỉnh của 16 năm ở mức hơn 5% vào cuối tháng 10, với lợi suất của kỳ hạn 10 năm chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 4,44%, thấp nhất 2 tháng.
Bất kỳ tín hiệu mềm mỏng nào từ Fed sẽ là chất xúc tác để đà tăng của thị trường duy trì. “Thị trường đã tăng được một thời gian. Giờ là lúc nhà đầu tư nhìn lại những diễn biến đã qua và tìm kiếm chất xúc tác tiếp theo. Mùa báo cáo tài chính đã kết thúc. Fed đã giữ nguyên lãi suất trong 2 cuộc họp vừa rồi và chắc là sẽ tiếp tục đứng im trong cuộc họp tháng 12. Thị trường đang tìm kiếm một sự dẫn dắt mới”, nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của công ty Brandywine Global nhận định với hãng tin Reuters.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 3,19 USD/thùng, tương đương tăng 4,1%, chốt ở mức 80,61 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,99 USD/thùng, tương đương tăng 4,1%, đạt 75,89 USD/thùng.
Phiên phục hồi này của giá dầu được cho là xuất phát từ hoạt động mua vào để chốt lời của các nhà đầu tư bán khống. Ngoài ra, việc Mỹ trừng phạt một số hãng vận tải về việc vận chuyển những thùng dầu Nga được bán với giá cao hơn mức trần mà nhóm G7 đặt ra cũng hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, giá cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 1% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp.
Áp lực mất giá đối với dầu trong tuần này đến từ số liệu thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo - dấu hiệu của nhu cầu tiêu thụ suy yếu, trong khi sản lượng khai thác dầu của Mỹ đang duy trì ở mức cao kỷ lục.
Ngoài ra, tình hình ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng không có lợi cho giá dầu. Trong khi đó, lực hỗ trợ giá dầu từ cuộc chiến tranh Israel-Hamas gần như không còn, vì cuộc chiến này đến hiện tại ít có nguy cơ lan rộng và gây gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Theo một số nhà phân tích, với giá dầu Brent ở dưới mốc 80 USD/thùng, nhóm OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu sang năm 2024. Đây là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối, với hai thủ lĩnh không chính thức của liên minh là Saudi Arabia và Nga.