11:12 05/10/2019

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất gần 2 tháng nhờ báo cáo việc làm khả quan

Bình Minh

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng vẫn giảm trong cả tuần

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi báo cáo việc làm tháng 9 giúp giải tỏa nỗi lo của nhà đầu tư sau loạt dữ liệu kinh tế u ám tuần này.

Theo tin từ Reuters, nhóm công nghệ tăng mạnh với sự dẫn đầu của cổ phiếu Apple cũng là nhân tố nâng đỡ các chỉ số trong phiên giao dịch cuối của tuần. Nhờ vậy, S&P 500 chốt phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 16/8, với một phần không nhỏ là thành quả tăng diễn ra vào cuối phiên.

Trước đó, trong hai phiên ngày thứ Ba và thứ Tư, S&P 500 mất tổng cộng hơn 3% vì những con số thống kê khiến thị trường lo ngại rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trượt dần vào một cuộc suy thoái.

Mặc dù vậy, đây vẫn là tuần giảm điểm thứ ba liên tục của Dow Jones và S&P 500.

Báo cáo thường kỳ của Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 136.000 công việc mới trong tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,5%, thấp nhất trong 50 năm. Tuy nhiên, số việc làm trong ngành sản xuất chứng kiến sự suy giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.

"Đây là một dạng dữ liệu tốt xấu đan xen. Con số không đủ mạnh để xóa bỏ khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) hạ lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 10; nhưng cũng không đủ yếu để gây lo ngại về thị trường việc làm và người tiêu dùng", chiến lược gia trưởng Shawn Snyder thuộc Citi Personal Wealth Management nhận xét.

Tuần này, giới đầu tư ở Phố Wall tăng mạnh đặt cược vào khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 10. Cơ sở của dự báo này là ngày sản xuất Mỹ suy giảm nhanh chóng, khu vực kinh tế tư nhân tuyển dụng lao động chậm lại, và hoạt động của ngành dịch vụ suy yếu. Tất cả những số liệu này đều được xem là phản ánh tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ-Trung đối với kinh tế Mỹ.

Các nhà giao dịch hiện cho rằng khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 10 là 77,5%, so với mức đặt cược 40% vào hôm thứ Hai. Tháng 9 vừa qua, FED cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm 2019 và tuyên bố rằng khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ tùy thuộc vào các số liệu kinh tế.

Trong bối cảnh thị trường bị phủ bóng bởi nỗi lo về thương chiến Mỹ-Trung và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến này lên nền kinh tế Mỹ, S&P 500 đã tăng 2% trong 12 tháng qua, nhưng hiện thấp hơn khoảng 2% so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào tháng 7.

"Mọi người vẫn bán cổ phiếu và mua trái phiếu, nhưng cuối cùng thì bạn vẫn có một chút lợi nhuận từ đầu tư cỏ phiếu", nhà quản lý danh mục Tom Martin thuộc Globalt Investments phát biểu.

Cổ phiếu Apple tăng 2,8% sau khi có thông tin nói rằng hãng sẽ tăng sản lượng điện thoại iPhone 11.

Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin trong S&P 500 tăng 1,7%, còn nhóm con chip tăng 1,9%.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính đều chốt phiên trong sắc xanh, dẫn đầu là mức tăng 1,9% của cổ phiếu tài chính.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 1,42%, đạt 26.573,72 điểm. S&P 500 tăng 1,42%, đạt 2.952,01 điểm. Nasdaq tăng 1,4%, đạt 7.982,47 điểm.

Chỉ có 5,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,3%; Dow Jones giảm 0,9%; và Nasdaq tăng 0,5%.

Trong phiên ngày thứ Sáu, có lúc cổ phiếu HP giảm 9,6% sau khi hãng sản xuất máy tính này tuyên bố sẽ cắt giảm tới 16% lực lượng lao động. Đợt sa thải này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu dự kiến tiêu tốn của HP 1 tỷ USD.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 3,12 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,26 lần.