Chứng khoán Mỹ tăng nhờ triển vọng lãi suất Fed “sáng” hơn, giá dầu vẫn trượt dốc
Mong muốn của nhà đầu tư là một thị trường lao động đủ yếu để Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất, nhưng cũng không quá yếu tới mức có thể dẫn tới suy thoái kinh tế Mỹ...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/6), khi dữ liệu ảm đạm về thị trường việc làm củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất 2 lần trong nâm nay. Giá dầu thô tiếp tục đi xuống vì nhà đầu tư lo ngại khả năng dư thừa nguồn cung khi OPEC+ bắt đầu thu hẹp một kế hoạch cắt giảm sản lượng trong năm nay.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 140,26 điểm, tương đương tăng 0,36%, chốt ở mức 38.711,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,15%, đạt 5.291,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,17%, đạt 16.857,05 điểm.
Các chỉ số tăng sau khi số liệu mới nhất về thị trường lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế có thể đang giảm tốc mạnh hơn dự báo. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế tin rằng Fed có thể giảm lãi suất sớm hơn và có hai đợt giảm trong năm nay.
Nhưng mặt khác, do gần đây xuất hiện tâm lý rằng kinh tế Mỹ có thể sụt tốc mạnh trong lúc Fed còn chưa đạt được mục tiêu lạm phát 2%, mức tăng điểm của thị trường là khá dè dặt.
Có thể nói, tin xấu về kinh tế ở thời điểm này vẫn ít nhiều được coi là tin tốt - vì củng cố triển vọng giảm lãi suất - nhưng cũng đã được coi là tin xấu thực sự - vì gây lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Ba cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong nền kinh tế - một chỉ báo quan trọng về nhu cầu lao động - trong tháng 4 giảm 296.000 vị trí so với tháng trước đó, xuống còn 8,059 triệu công việc. Mức giảm này lớn hơn dự báo và số vị trí cần tuyển dụng là thấp nhất trong vòng hơn 3 năm trở lại đây.
“Thị trường lại bắt đầu nghĩ rằng Fed có thể sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Những số liệu kinh tế yếu trong tuần qua giải thích cho sự dịch chuyển này trong tâm lý của nhà đầu tư”, nhà đồng sáng lập Nicholas Colas của công ty DataTrek Research nhận định với hãng tin Reuters.
Báo cáo công bố ngày thứ Ba chưa phải là số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất của tuần này. Tâm điểm chú ý của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuầy này là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp đến từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu. Mong muốn của họ là một thị trường lao động đủ yếu để Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất, nhưng cũng không quá yếu tới mức có thể dẫn tới suy thoái kinh tế Mỹ. Bất kỳ một số liệu nào chệch khỏi điểm cân bằng này cũng sẽ dẫn tới áp lực giảm đối với thị trường.
“Vào thời điểm này, thị trường đang chờ một chất xúc tác. Sẽ đến một lúc mà tin xấu sẽ thực sự là tin xấu”, Giám đốc đầu tư Megan Horneman của công ty Verdence Capital Advisors nhận định với hãng tin CNBC.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng gần 62% cho rằng Fed có 2 đợt giảm lãi suất trong năm nay, tăng từ mức chỉ 36% vào tuần trước - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Dù vậy, vẫn có những chuyên gia như bà Horneman nghi ngờ về khả năng Fed có thể giảm lai suất trong năm nay, vì áp lực giá cả vẫn còn lớn ở mảng dịch vụ. Bà lưu ý rằng thị trường có thể “tiếp tục giằng co” cho tới khi báo cáo việc làm tổng thể tháng 5 được công bố vào ngày thứ Sáu mang tới những thông tin rõ nét hơn về tình trạng của thị trường việc làm và nền kinh tế.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 7 tại New York giảm 0,97 USD/thùng, tương đương giảm 1,31%, còn 73,25 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8 tại London giảm 0,84 USD/thùng, tương đương giảm 1,07%, còn 77,52 USD/thùng.
Đến phiên này, giá dầu đã mất gần hết thành quả tăng giá kể từ đầu năm, với giá dầu WTI chỉ còn tăng 2,23% so với đầu năm và giá dầu Brent chỉ còn tăng 0,62%.
Giá dầu đã giảm trong cả hai phiên đầu tuần này, sau khi OPEC+ tuyên bố trong cuộc họp sản lượng vào cuối tuần vừa rồi rằng họ sẽ bắt đầu thu hẹp kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Theo đó, việc thu hẹp sẽ bắt đầu từ tháng 10/2024 và kéo dài đến hết tháng 9/2025. Điều này đồng nghĩa sản lượng dầu của OPEC+ sẽ bắt đầu tăng lên từ đầu quý 4 năm nay.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Ngoài mối lo về nguồn cung, việc giá dầu giảm gần đây còn do mối lo về sức khoẻ kinh tế Mỹ, sau khi một số báo cáo thống kê cho thấy dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Quyết định của OPEC+ là nguyên nhân chính mang lại lợi thế cho các nhà đầu cơ giá xuống dầu lửa”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định. Tuy nhiên, ông Varga cho rằng dư địa giảm thêm của giá dầu là không lớn nếu nhu cầu tiêu thụ xăng trong mùa hè không giảm sút.