07:59 16/06/2023

Chứng khoán Mỹ tăng rực rỡ, giá dầu "nhảy" hơn 3%

Bình Minh

Dù chu kỳ thắt chặt của Fed chưa kết thúc, giới đầu tư lạc quan khi cho rằng ít nhất ngày đó cũng đang đến gần. Ngoài ra, những dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế và sự xuống thang của lạm phát - dù còn chậm, nhất là ở tỷ lệ lạm phát lõi - cũng giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/6), khi giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang tiến gần tới hoàn tất chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Giá dầu tăng hơn 3% nhờ sự suy yếu của đồng USD và dữ liệu cho thấy hoạt động gia tăng của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 428,73 điểm, tương đương tăng 1,26%, chốt ở 34.408,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,22%, đạt 4.425,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,15%, đạt 13.782,82 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống, trong khi cổ phiếu công nghệ tiếp tục dẫn đầu đà tăng của thị trường, kéo dài xu hướng của chứng khoán Mỹ từ đầu năm đến nay. Phiên tăng này đưa S&P 500 và Nasdaq lên mức điểm nội phiên cao nhất kể từ tháng 4/2022.

“Câu hỏi chính đặt ra lúc này là liệu những nhóm cổ phiếu có mức độ phụ thuộc lớn vào chu kỳ kinh tế có thể bắt kịp các cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu công nghệ hay không. Nếu được như vậy, thì xung lực tăng sẽ đủ để đưa thị trường lên cao hơn”, đồng Giám đốc đầu tư Dylan Kremer của công ty Certuity nhận định.

Hôm thứ Tư, Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5-5,25% khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Ngân hàng trung ương Mỹ đi đến quyết định tạm dừng nâng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái. Mục đích của lựa chọn này là để chờ cho chuỗi tăng lãi suất đã có phát huy tác dụng chống lạm phát, tránh để xảy ra tình trạng tăng lãi suất quá tay. Theo dự báo cập nhật của Fed, sẽ có hai lần nâng lãi suất nữa trong thời gian còn lại của năm nay.

Dù chu kỳ thắt chặt của Fed chưa kết thúc, giới đầu tư lạc quan khi cho rằng ít nhất ngày đó cũng đang đến gần. Ngoài ra, những dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế và sự xuống thang của lạm phát - dù còn chậm, nhất là ở tỷ lệ lạm phát lõi - cũng giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.

Tính đến phiên này, S&P 500 đã có 6 phiên tăng liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 11/2021. Chỉ số đang tiến tới hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. Nếu so với mức đáy đóng cửa thiết lập hồi tháng 10, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ hiện đã tăng 23% và đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market).

So với đầu năm, S&P 500 đã tăng 15%. Nasdaq thậm chí đã tăng hơn 31% từ đầu năm đến nay.

Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đều chốt phiên với mức tăng ấn tượng: Microsoft tăng3,2%; Oracle tăng 3,5%; và Alibaba tăng 3,2%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,47 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, chốt ở 75,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,35 USD/thùng, tương đương tăng 3,4%, đạt 70,62 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 8/6.

Số liệu thống kê công bố ngày thứ Năm cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5, tín hiệu rằng người tiêu dùng - trụ cột của nền kinh tế Mỹ - vẫn tiếp tục chi tiêu. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua cao hơn dự báo - phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động, một diễn biến có lợi cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed.

Sau khi các số liệu này được công bố, đồng USD rớt giá xuống mức thấp nhất 5 tuần so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt. USD giảm giá có lợi cho giá các hàng hoá cơ bản định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô.

USD còn chịu áp lực giảm giá khi Fed tạm dừng tăng lãi suất mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục thắt chặt. Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, ECB ngày 15/6 tăng lãi suất lên mức cao nhất 22 năm, đồng thời phát tín hiệu còn tăng nữa để chống lạm phát. “Triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát vẫn còn nhiều bấp bênh”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu.

Số liệu từ Trung Quốc cho thấy lượng dầu thô đầu vào của các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc tăng 15,4% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao thứ hai tỏng lịch sử.

“Dữ liệu về nhu cầu của nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc đã đưa giá dầu tăng. Giá dầu còn nhận được lực hỗ trợ từ sự giảm giá của đồng USD”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định về phiên tăng này của giá dầu.

Giá “vàng đen” đã giằng co mạnh giữa giảm và tăng trong thời gian gần đây do những dự báo trái chiều. Nhiều nhà dự báo đã cắt giảm dự báo giá dầu, cho rằng thế giới sẽ ở trong tình trạng thừa dầu vì tăng trưởng kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, một số khác vẫn cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thiếu hụt.

Ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS dự báo thế giới sẽ thiếu khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6 và thiếu hơn 2 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7. “Khi sự thiếu hụt này trở nên rõ ràng hơn ở những kho dự trữ dầu trong đất liền, giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa”, báo cáo của UBS viết.