Chứng khoán Mỹ tăng trước khi đón báo cáo CPI, giá dầu lao dốc hơn 1%
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang giữ tâm lý chờ đợi trước khi các báo cáo lạm phát tháng 6 được Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/7), chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm trước đó, trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu lạm phát trong tuần này. Giá dầu thô giảm vì mối lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất, nhưng mức giảm hạn chế nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 209,52 điểm, tương đương tăng 0,62%, đạt 33.944,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,24%, đạt 4.409,53 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,18%, đạt 13.685,48 điểm.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đang giữ tâm lý chờ đợi trước khi các báo cáo lạm phát tháng 6 được Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Tư và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Năm. Các dữ liệu này sẽ phác ra một bức tranh cụ thể hơn về đường đi của lạm phát, từ đó giúp nhà đầu tư căn chỉnh các kỳ vọng về lãi suất của Fed.
Thị trường hiện đang kỳ vọng gần như chắc chắn Fed tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 25-26/7, nhưng còn tranh cãi về việc Fed sẽ làm gì trong cuộc họp tháng 9. Các số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây, bao gồm số liệu việc làm, cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu yếu đi do nỗ lực chống lạm phát của Fed, nhưng chưa giảm tốc nhanh tới mức đủ để lạm phát nhanh chóng hạ về mục tiêu 2%.
Nhận định về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, nhà quản lý quỹ Solus Alternative Asset Management cho rằng mục đích là để Fed thu thập thêm thông tin và dữ liệu về nền kinh tế. “Việc Fed còn tăng lãi suất thêm 1 hay 2 lần nữa không quan trọng bằng việc khi nào thị họ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tôi cho rằng việc bao giờ Fed bắt đầu hạ lãi suất mới là điều đáng quan tâm, chứ không phải là có thêm 1 hay 2 lần nâng nữa”, ông Greenhaus nói với hãng tin CNBC.
Tuần này cũng là thời điểm khởi động mùa báo cáo tài chính quý 2, với loạt kết quả kinh doanh đầu tiên đến từ các định chế tài chính có tầm quan trọng hệ thống gồm Wells Fargo và Citigroup.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo CPI toàn phần tháng 6 giảm còn 3,1%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, từ mức đỉnh của 41 năm là 9,1% thiết lập vào tháng 6 năm ngoái.
Các chiến lược gia của BlackRock Investment Institute nhận định trong một báo cáo hôm thứ Hai: “Thị trường đang đồng tình với quan điểm của chúng tôi rằng các ngân hàng trung ương còn phải duy trì chính sách thắt chặt để hạn chế áp lực lạm phát. Dữ liệu CPI của Mỹ công bố tuần này nếu còn cao có thể thúc đẩy xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vì thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nữa”.
Giới đầu cơ trên thị trường lãi suất tương lai vẫn cho rằng Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong tháng này, nhưng một chỉ số CPI yếu có thể làm giảm khả năng Fed tăng thêm lãi suất trong tháng 9. Các hợp đồng tương lai hiện phản ánh khả năng 90% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7, lên mức 5,25-5,5%.
Phát biểu ngày thứ Hai, một số quan chức Fed nói rằng Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa để giảm lạm phát, nhưng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của họ sắp đi đến hồi kết. Ông Michael Barr, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề giám sát của Fed nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở rất gần đoạn kết của chu kỳ thắt chặt này”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,78 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 77,69 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,87 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 72,99 USD/thùng.
“Các nhà giao dịch đang lo ngại về lãi suất tăng, yếu tố có thể kéo tụt nhu cầu tiêu thụ dầu một cách nhanh chóng”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của BOK Financial nhận định. Ông Kissler cũng cho rằng một số nhà giao dịch dầu đã chốt lời trong phiên đầu tuần, sau khi giá dầu tăng mạnh trong tuần trước.
Giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 4,5% trong tuần trước sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố giảm thêm sản lượng, nâng tổng mức giảm sản lượng hiện tại của OPEC+ lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên này còn có số liệu cho thấy lạm phát giảm ở Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ngấp nghé bờ vực giảm phát. Sự phục hồi ngày càng yếu của kinh tế Trung Quốc đẩy cao mối lo về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển sẽ giữ được ở mức cao, kết hợp với nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+, có thể sẽ dẫn tới tình trạng thắt chặt nguồn cung dầu toàn cầu trong nửa sau của năm nay, từ đó hỗ trợ giá dầu.