Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng phiên đầu tháng
Dù thị trường giữ nhịp tăng trưởng, nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự tập trung của xu hướng tăng vào một số ít nhóm cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu công nghệ...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (1/7), với chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục, cho thấy xung lực tăng mạnh mẽ của nửa đầu năm đang duy trì. Giá dầu thô cũng tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tháng, nhờ kỳ vọng vào sự khởi sắc của nhu cầu trong mùa hè và do mối lo về căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 50,66 điểm, tương đương tăng 0,13%, chốt ở mức 39.169,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,27%, đạt 5.475,09 điểm. Nasdaq tăng 0,83%, đạt mức cao chưa từng thấy 17.879,3 điểm.
Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu phiên tăng này, đặc biệt là những cổ phiếu vốn hóa lớn và liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI). Microsoft tăng 2,2%; Apple tăng 2,9%; Nvidia tăng 0,6%... Toàn bộ nhóm công nghệ tăng 1,3% trong phiên đầu tuần, đầu tháng và đầu quý.
Xu hướng tăng duy trì của cổ phiếu công nghệ cho thấy cơn sốt AI vẫn chưa hạ nhiệt ở Phố Wall. Điển hình của cơn sốt này là cổ phiếu hãng chip Nvidia tăng khoảng 150% trong nửa đầu năm nay, góp phần đưa S&P 500 tăng 14,5%. Nasdaq tăng 18,1% trong nửa đầu năm và Dow Jones tăng 3,8%.
Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ diễn ra bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng gần 13 điểm cơ bản, lên mức 4,471%. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng 4 điểm cơ bản, lên 4,762%.
Dù thị trường giữ nhịp tăng trưởng, nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự tập trung của xu hướng tăng vào một số ít nhóm cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu công nghệ.
Theo chuyên gia về danh mục đầu tư Joseph Cusick của công ty Calamos Investments, việc xu hướng tăng không phủ rộng có thể ảnh hưởng bất lợi tới diễn biến thị trường trong nửa sau của năm nay. Ông lưu ý rằng chỉ 10 cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng gần 33% trong S&P 500, một sự mất cân đối mới từng được ghi nhận chỉ 3 lần trước kia.
“Giới đầu tư và phân tích đều đang nhìn thấy và cảm nhận áp lực của rủi ro ngày càng lớn này. Cái cớ trong chu kỳ tăng điểm hiện nay của thị trường là bản chất thống lĩnh của một số ít cổ phiếu sẽ không yếu đi. Nhưng với thị trường đang ở gần vùng kỷ lục, nhà đầu tư không nên từ bỏ việc quản lý chủ động danh mục đầu tư cũng như đa dạng hóa chiến lược”, ông Cusick nói với hãng tin CNBC.
Một số chuyên gia dự báo xung lực tăng dựa vào cổ phiếu công nghệ sẽ duy trì cho tới ít nhất hết mùa hè năm nay, nhưng một số khác lại lo ngại định giá cổ phiếu đã bị đẩy lên mức quá cao.
“AI có vẻ chỉ giống như một thứ mốt nhất thời, nhưng tôi tin là AI sẽ có ý nghĩa nhiều hơn thế. Công nghệ này có khả năng giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ nói chung một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn, cũng như tạo ra những ngành công nghiệp hoàn toàn mới”, chuyên gia Kevin Philip của công ty tư vấn đầu tư Bel Air Investment Advisors nhận định với CNBC.
Tuần này, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa ngày thứ Năm để nghỉ lễ Quốc khánh 4/7. Ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6 - điểm dữ liệu có thể chi phối quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong thời gian tới.
Ngoài ra, thị trường còn chờ một bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Ba, và tiếp đến là biên bản cuộc họp tháng 6 của Fed được công bố vào ngày thứ Tư.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,6 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở mức 86,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,84 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở mức 83,38 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ hôm 30/4 và của dầu WTI kể từ hôm 26/4.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh sắp tới của Mỹ đang làm gia tăng kỳ vọng về sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới. Gần đây, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở Mỹ có dấu hiệu suy yếu dù đang là mùa hè - mùa lái xe sôi động nhất hàng năm ở nước này.
Ngoài ra, giá dầu còn đang được đẩy lên bởi các cuộc giao tranh căng thẳng giữa Israel và lực lượng phiến quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Giới quan sát lo ngại một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ nổ ra giữa hai bên, đặt ra nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
“Hezbollah và Israel có vẻ đang nhích lại ngày càng gần một cuộc chiến tranh toàn diện, có thể lôi kéo một nước thành viên OPEC là Iran cũng như đồng minh Shiite của Iran ở Iraq, Yemen và Syria”, chuyên gia Bob Yawger của công ty Mizuho nhận định trong một báo cáo.