07:39 14/12/2022

Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo CPI, giá dầu cũng tăng mạnh

Bình Minh

Giá các tài sản như cổ phiếu và dầu thô đồng loạt tăng mạnh sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang nhanh hơn dự báo và trong bối cảnh nhà đầu tư đợi kết quả cuộc họp Fed...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/12), sau khi số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang nhanh hơn dự báo và trong bối cảnh nhà đầu tư đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Giá dầu thô cũng tăng mạnh, lấy lại mốc 80 USD/thùng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 103,6 điểm, tương đương tăng 0,3%, đạt 34.108,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,73%, đạt 4.019,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,01%, đạt 11.256,81 điểm.

Ở mức đỉnh của phiên, Dow Jones tăng hơn 700 điểm, tương đương tăng gần 2,1%; S&P 500 tăng xấp xỉ 2,8%; và Nasdaq tăng hơn 3,8%. Thành quả tăng này không được duy trì cho tới hết phiên do nhà đầu tư ít nhiều thận trọng trước khi Fed đưa ra quyết định lãi suất và những tín hiệu mới về đường đi của chính sách tiền tệ.

Cuộc họp của Fed đã bắt đầu vào ngày thứ Ba và sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư. Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một cuộc họp báo.

Chất xúc tác cho phiên tăng ngày thứ Ba là báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.  Trước đó, các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones dự báo mức tăng tháng 0,3% và mức tăng năm 7,3%.

Không tính giá hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là giá lương thực-thực phẩm và giá năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 0,2% trong tháng và tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đều ít hơn mức dự báo tương ứng là tăng 0,3% và 6,1%.

Lạm phát giảm nhiệt là cơ sở quan trọng để Fed giảm bớt sự cứng rắn trong chính sách tiền tệ. Điều này làm gia tăng mức độ ham thích rủi ro của nhà đầu tư, khuyến khích họ mua vào những tài sản được cho là có độ rủi cao hơn như cổ phiếu và hàng hoá cơ bản. Tuy nhiên, sự tăng giá phiên này diễn ra ở cả những tài sản giữ vai trò kênh đầu tư an toàn như vàng, bởi thời gian qua, những tài sản này cũng bị bán mạnh vì nỗi lo lãi suất tăng cao. Riêng đồng USD rớt giá mạnh.

Về kết quả cuộc họp của Fed, thị trường vẫn đang nghiêng về khả năng Fed lần này sẽ nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm - một sự giảm tốc sau 4 lần liên tiếp nâng 0,75 điểm phần trăm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng là điều dễ thấy nhất trong phiên này, thể hiện qua việc các chỉ số chỉ giữ được cho tới hết phiên một phần mức tăng ghi nhận ở đỉnh của phiên.

“Dữ liệu lạm phát đầu vào cho cuộc họp của Fed là lạc quan hơn so với dự báo, chúng ta vẫn chưa biết chắc liệu Fed có tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm hay không và liệu họ có nâng dự báo lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này hay không. Bởi vậy, thị trường đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái ‘chờ xem’ trước khi Fed công bố kết quả họp vào ngay mai”, chiến lược gia Art Hogan của B. Riley Wealth nhận định.

Cũng nhờ lực hỗ trợ từ báo cáo CPI Mỹ, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London và giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York cùng có phiên tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent tăng 2,69 USD/thùng, tương đương tăng 3,5%, chốt ở 80,68 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,22 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 75,39 USD/thùng. Cả hai loại dầu cùng đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ hôm 4/11.

“Phiên tăng này của giá dầu chủ yếu do đồng USD rớt giá. Xét tới tình trạng giảm liên tục gần đây của giá dầu, bất kỳ tin tốt nào cũng có thể đưa giá hồi phục. Vẫn phải chờ xem liệu sự phục hồi này có duy trì hay không”, chiến lược gia Eli Tesfaye của RJO Futures nhận định.

Ngoài ra, phiên tăng này còn có thể do các nhà giao dịch đóng trạng thái bán khống để chốt lời sau khi giá của cả hai loại dầu cùng giảm hơn 10% trong tuần trước.

“Sau đợt bán tháo tuần trước, các nhà giao dịch có vẻ đang quay lại mua dầu ở vùng giá thấp”, nhà phân tích Matt Smith của Kpler nhận định.

Giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng u ám về nhu cầu. Ngày 13/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lại một lần nữa cắt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu quý 1/2023, nói rằng sự giảm tốc kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ rệt hơn.

Liên quan đến tình hình Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nước này được cho là đã hoãn một cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Thông tin này làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ dầu tại nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.