Chứng khoán ngày 24/6: Thất vọng với VNM, vốn hóa bốc hơi hơn 4.000 tỷ
Thị trường đáng lẽ đã có một phiên đầu tuần thăng hoa hơn nếu không có diễn biến suy yếu đáng kể về chiều

Thị trường đáng lẽ đã có một phiên đầu tuần thăng hoa hơn nếu không có diễn biến suy yếu đáng kể về chiều. Các chỉ số đều cắm đầu trượt dốc khi một số trụ lớn suy yếu nhanh.
Đáng thất vọng nhất là VNM, cổ phiếu đang ở vị trí lớn thứ 4 của VN-Index. Chiều nay VNM từ từ trượt xuống vùng giá đỏ, tuy không mạnh nhưng cũng đủ khiến VN-Index mất đà tăng. Đã thế, đóng cửa VNM còn chịu cú sốc mạnh khi bị bán ra khoảng 203.000 cổ phiếu, đẩy giá sụt giảm 1,91% so với tham chiếu.
VNM đã giảm ở phiên chiều, nhưng phải hơn 1% mức giảm của cả ngày là do giá bị ép lúc đóng cửa. Thật vậy, giá chốt cuối cùng của VNM ở đợt khớp lệnh liên tục là 124.600 đồng. Đóng cửa VNM sập xuống 123.100 đồng.
VNM cuối tuần trước là niềm hứng khởi của các chỉ số khi bật tăng 1,8% nhờ các quỹ mua lớn. Thanh khoản của VNM cũng cao kỷ lục. Phiên giảm hôm nay đẩy VNM xuống giá còn thấp hơn cả hôm thứ Năm tuần trước. Như vậy thay vì khởi động một nhịp tăng mới sau ngày cuối tuần trước thì VNM lại đứng trước nguy cơ thủng đáy 5 tháng.
Khối ngoại không hẳn là nguyên nhân của diễn biến giảm giá này. VNM bị bán gần 400.000 đơn vị, chiếm 65% thanh khoản. Tuy vậy khối ngoại cũng có mua vào 34% thanh khoản. Mức bán ròng ở VNM chỉ hơn 191.000 đơn vị.
Mức giảm giá mạnh nhất 24 phiên đã khiến vốn hóa của VNM bốc hơi 4.180 tỷ đồng. VNM kể từ đầu tháng 6 tới giờ đã bốc hơi 3,8% giá trị. Trong khi đó VCB, một blue-chips khác, từ đầu tháng 6 tới nay lại tăng 8,6% và vượt qua VNM để trở thành cổ phiếu lớn thứ 3 trong VN-Index.
VCB phiên này cũng tăng 2,82% so với tham chiếu và trở thành trụ mạnh nhất thị trường. Vốn hóa của VCB tăng hơn 7.417 tỷ đồng, đủ sức bù cho VNM nhưng lại không khiến VN-Index tăng rõ ràng hơn được. Chỉ số đóng cửa chỉ tăng 0,38% so tham chiếu dù ngay đầu phiên chiều còn đạt mức tăng 0,82%.
Đỉnh cao nhất của VN-Index đầu phiên chiều là 967,11 điểm trong khi đỉnh cao nhất tuần đầu tháng 6 này, chỉ số đạt 966,9 điểm. Như vậy VN-Index đã không thể vượt qua được đỉnh cao ngắn hạn gần nhất.
Một trong những nguyên nhân khiến đà tăng của thị trường hôm nay thiếu lực là dòng tiền đã không mạnh mẽ như được kỳ vọng. Trong số 3 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường, cũng là 3 mã duy nhất khớp vượt 100 tỷ đồng giá trị thì trừ ROS, còn lại VHM và VCB. VCB giao dịch tốt nhưng cũng có biểu hiện của hoạt động chốt lời, mức giá tốt nhất đã tăng 3,94% so với tham chiếu.
Đà tăng mạnh đã đẩy giá VCB lên sát đỉnh cao lịch sử đạt được hồi tháng 3/2018. Tính theo giá đóng cửa, đỉnh cao nhất của VCB là 73.751 đồng (giá điều chỉnh). Tính theo đỉnh dao động tối đa, VCB đạt 75.529 đồng. Giá chốt hôm nay VCB ở 73.000 đồng. Như vậy cổ phiếu này cũng có nguy cơ bị chốt lời.
Nhà đầu tư trong nước đã bán ra khá lớn ở VCB. Cổ phiếu này giao dịch 1,4 triệu cổ thì khối ngoại mua 886.320 cổ phiếu tương đương gần 63% thanh khoản. Nhà đầu tư trong nước là đối tượng xả chính ở VNM khi khối ngoại chỉ bán hơn 11% thanh khoản.
VHM, SAB, VIC là ba trụ khác khá mạnh hôm nay khi tăng tương ứng 1,27%, 1,08% và 1,66%. Số giảm giá trong nhóm VN30 chỉ là 8 mã trong khi có 17 mã tăng, nhưng số tăng mạnh lại không nhiều. Ngoài VNM mạnh, còn có GAS giảm 0,95%, HPG giảm 1,48%, PNJ giảm 0,81%, FPT giảm 0,55%, SSI giảm 0,8%. Độ rộng chung của HSX cũng kém với 115 mã tăng/165 mã giảm.
Thanh khoản khớp lệnh hôm nay cũng sụt giảm lớn 35,4% so với phiên trước. Cũng phải nhìn nhận sự so sánh này không thật sự đúng vì cuối tuần trước là phiên cả hai quỹ ETF giao dịch mạnh nhất. Tuy vậy mức khớp lệnh 2.804,6 tỷ đồng phiên này vẫn là thấp so với các phiên đầu tuần trước. Mặt khác, giao dịch tập trung tới 28% vào các mã ROS, VHM, VCB, CTG và VJC.
Nhà đầu tư nước ngoài rút ròng hơn 104 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu hai sàn, tập trung ở HSX. Cụ thể, khối này xả 510,3 tỷ đồng, mua vào 404,6 tỷ đồng. HNX bị bán 2,36 tỷ đồng, mua vào 3,77 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ được mua ròng hơn 12,7 tỷ đồng.
SBT bị bán ròng khủng hơn 6,2 triệu cổ phiếu nhưng trong đó giao dịch thỏa thuận nhiều. POW, SSI, FLC, HDB, BMI, HPG, VHM, VNM, DPM, FCN, PLX cũng bị xả ròng lớn. Phía mua có HQC, VCB, PVD, HSG, BVH, DXG, HCM, VJC.