12:10 24/10/2019

Chứng khoán sáng 24/10: 5 triệu CW giao dịch ngày mai, MWG tăng đột biến

Lan Ngọc

Đột biến của MWG sáng nay tạo chút hào hứng trong tình trạng thị trường chung diễn biến uể oải

Đột biến của MWG sáng nay tạo chút hào hứng trong tình trạng thị trường chung diễn biến uể oải.

Sau khi trượt nhẹ khỏi đỉnh cuối tháng 9 vừa qua, MWG đi ngang trong 4 phiên liên tục trước khi bùng nổ tăng 2,52% trong sáng nay. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 21 phiên.

Chưa hết, thanh khoản của MWG cũng gia tăng đột biến với 834.290 cổ phiếu trị giá 104,6 tỷ đồng, cao nhất thị trường chỉ sau ROS. Toàn bộ thanh khoản này là do nhà đầu tư trong nước giao dịch. Chỉ mới giao dịch buổi sáng mà MWG đã đạt thanh khoản cao nhất kể từ đầu tháng 10.

Ngày mai 25/10, 5 triệu chứng quyền (CW) vừa phát hành dựa trên MWG sẽ bắt đầu giao dịch với giá thực hiện 125.000 đồng. Đóng cửa hôm qua MWG chỉ có giá 123.200 đồng. Rõ ràng là mức giá của cổ phiếu như vậy không tạo hấp dẫn cho giao dịch CW, dù thời gian đáo hạn tới tận tháng 4/2020.

Sức mạnh bất ngờ của MWG cũng cuốn theo đà tăng giá của một số cổ phiếu cơ sở CW khác. FPT tăng 1,95%. Tuy nhiên FPT thanh khoản không cao, mới khoảng 57 tỷ đồng giá trị. REE tăng 0,96% sau khi giảm hơn 9% kể từ đỉnh cách đây 19 phiên.

Một diễn biến đáng chú ý khác là FLC, sau khi được bắt đáy giá sàn hôm qua, đã quay đầu phục hồi. Tuy nhiên nếu trông đợi một phiên bùng nổ để bước vào "vòng hai" thì diễn biến hơi thất vọng. FLC tăng vọt cao nhất 4,66% nhưng sau đó lại bị xả và giá hiện chỉ còn tăng 0,7%. Đáng chú ý là sức mạnh đầu cơ không nhiều, thanh khoản cả phiên sáng mới gần 5,9 triệu cổ trị giá 25,6 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình, GTN cũng là một giao dịch bất ngờ. Giá tăng không quá xuất sắc, mới trên tham chiếu 2,75% nhưng thanh khoản của mã này đột biến tới 3,58 triệu cổ trị giá gần 73,8 tỷ đồng. Mức giao dịch này chỉ đứng sau ROS và MWG, vượt trội so với hầu hết các blue-chips khác.

Bất ngờ nữa là sáng nay chủ yếu giao dịch của GTN là một chiều: Nhà đầu tư nước ngoài xả và nhà đầu tư trong nước đỡ. Tổng lượng bán của khối ngoại ở GTN lên tới gần 3,19 triệu cổ, tức là chiếm hơn 89% thanh khoản. Giá GTN đang va chạm vào đỉnh cao nhất 2019 và cũng là đỉnh cao nhất kể từ tháng 3/2017.

Ngoài số ít cổ phiếu giao dịch có chút đột biến nói trên, cơ bản thị trường sáng nay nguội lạnh. VN-Index đang tăng 0,2% và áp sát 990 điểm với 146 mã tăng/146 mã giảm. Vn30-Index tăng 0,22% với 15 mã tăng/13 mã giảm.

Nhóm blue-chips giao dịch chậm và chỉ có GAS tăng 1,09% và VNM tăng 0,83% là duy trì lực đỡ cho các chỉ số. VN30-Index hưởng lợi thêm chút ít từ nhóm chứng quyền. Trong khi đó ngân hàng trồi sụt không ổn định: VCB tăng nhẹ 0,23%, TCB giảm 0,42%, VPB giảm 1,58%, STB giảm 0,45%, BID tham chiếu, CTG tăng 0,47%, MBB tăng 0,22%, EIB, HDB đang giảm. Nhóm VIC cũng giảm 0,09%, VHM giảm 0,7%.

Mặc dù HSX đang có khá nhiều mã tăng nhưng giao dịch không nóng. Đầu cơ đại bộ phận là tăng dưới 2% và thanh khoản cũng kém. Midcap đang tăng 0,34%, Smallcap giảm 0,09%.

Sàn HNX đang có SHB tăng 1,54%, PVS tăng 1,68%, VCS tăng 0,34%. HNX30-Index tăng 0,37% với 11 mã tăng/7 mã giảm. HNX-Index giảm 0,01% với 49 mã tăng/64 mã giảm.

Thanh khoản sáng nay tăng nhẹ gần 3% so với sáng hôm qua đạt 1.551,5 tỷ đồng chủ yếu nhờ giao dịch tăng của ROS, MWG và GTN. 3 mã này chiếm tới 27% giá trị thị trường. Trong khi đó VN30 nếu không tính tới ROS thì giao dịch tiếp tục giảm hơn 1%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhỉnh hơn, với 167,5 tỷ đồng xả ra trên HSX, mua vào 131,7 tỷ đồng. VN30 lại được mua 100,8 tỷ, bán 58 tỷ đồng. HNX giao dịch không đáng kể. VN30 được mua ròng tốt vì có ROS, HPG, VRE và VCB. Trong khi đó GTN chiếm phần lớn mức bán ròng ngoài VN30. Còn lại là POW, HDB, STB, ITA, PVD.