Chứng khoán thế giới có tháng 11 "rực rỡ", vàng mất vị thế
Trong tháng 11 này, giá các tài sản trên thị trường tài chính toàn cầu đã có sự biến động mạnh mẽ
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong ngày thứ Hai (30/11), phiên giao dịch cuối cùng của tháng, nhưng hoàn tất một tháng với nhiều kỷ lục tăng được thiết lập. Giá vàng và đồng USD cùng giảm mạnh, nhưng giá dầu lại tăng mạnh trong tháng này.
Chứng khoán thế giới đã tăng "rực rỡ" trong tháng 11, khi những tin tức khả quan về vaccine phòng Covid-19 mở ra triển vọng tươi sáng hơn cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2021, dù một số quốc gia phải đương đầu với làn sóng dịch bệnh mới khi mùa đông bắt đầu.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo đến giữa năm 2021, phần đông dân số tại các nền kinh tế phát triển sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19, mở đường cho một sự khởi sắc mạnh trong tốc độ tăng trưởng kinh tế, hãng tin Bloomberg cho hay.
Ngày 29/11, ông Jerome Adams, vị quan chức đứng đầu Ủy ban Dịch vụ y tế công cộng Mỹ, nói rằng Chính phủ liên bang dự kiến sẽ nhanh chóng rà soát và phê chuẩn đề nghị của hai hãng dược Pfizer và Moderna, cho phép vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng này được đưa vào tiêm chủng.
Trong phiên đầu tuần và là phiên cuối tháng, cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cổ phiếu năng lượng và cổ phiếu ngân hàng - những nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của thị trường trong tháng 11 - lại là những nhóm giảm mạnh nhất tại khu vực châu Á. Trái lại, cổ phiếu công nghệ khá vững vàng.
Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản giảm 1,6% phiên ngày 30/11, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất 1 tháng. Tuy nhiên, tính cả tháng, chỉ số này đã tăng hơn 10%, hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2011.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 15% trong tháng này, hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Phiên ngày 30/11, Nikkei giảm 0,8%.
"Chừng nào các số liệu kinh tế còn tiếp tục cải thiện, thì vẫn còn dư địa tăng cho những cổ phiếu có tính phụ thuộc cao vào chu kỳ kinh tế", nhà quản lý quỹ Nader Naeimi thuộc AMP Capital Investors phát biểu. "Cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu giá trị sẽ là những nhóm hưởng lợi nhiều nhất khi có vaccine để tiêm chủng ngừa Covid-19 và thế giới dần trở lại bình thường".
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Âu có tháng tăng mạnh chưa từng thấy, dù khu vực này phải đương đầu với số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh và phải tái áp các biện pháp phong tỏa. Thị trường Pháp tăng 21% từ đầu tháng, trong khi thị trường Italy tăng khoảng 26%.
Chỉ số MSCI World All-Country Index của chứng khoán thế giới tăng 13% từ đầu tháng. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 11% từ đầu tháng và đạt mức kỷ lục vào hôm thứ Sáu vừa rồi.
Các dòng vốn chảy mạnh vào cổ phiếu đã gây áp lực giảm lên những tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ, vàng và đồng USD.
Tuy nhiên, sức ép đối với trái phiếu đã được hấp thj phần nào bởi kỳ vọng vào việc các ngân hàng trung ương sẽ tung thêm tiền để mua vào tài sản. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) gây bất ngờ khi mở rộng chương trình mua trái phiếu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể hành động tương tự trong cuộc họp chính sách vào tháng 12.
Vì vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc tháng 11 ở 0,84%, tương tự như vào thời điểm đầu tháng. Đây là một kết quả không tồi nếu xét tới sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, vàng và đồng USD không được may mắn như trái phiếu.
"Dự báo cho rằng bà Janet Yellen, người có thể trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, và Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ hợp tác chặt chẽ để phối hợp giữa chính sách tiền tệ siêu lỏng và chính sách tài khóa siêu rộng mở để hỗ trợ phục hồi kinh tế đã đặt ra sức ep giảm lớn lên đồng USD", ông Robert Rennie, trưởng bộ phận chiến lược tài chính thuộc Westpac, phát biểu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt hiện dao động quanh ngưỡng 91,77 điểm, giảm 2,4% từ đầu tháng và là mức đáy kể từ giữa 2018.
Trái lại, đồng Euro đã tăng 2,7% so với USD trong tháng này, đạt mức dưới 1,2 Euro đổi 1 USD. Đồng bạc xanh cũng mất giá 0,7% so với đồng Yên Nhật trong tháng này, còn 1 USD đổi chưa đầy 103,9 Yên.
Giá vàng giảm dưới 1.780 USD/oz, gần thấp nhất 5 tháng và đã "bốc hơi" 5,6% từ đầu tháng.
Trái lại, giá dầu đã tăng khoảng 24% từ đầu tháng nhờ lạc quan của giới đầu tư về vaccine Covid-19. Từ mức hơn 34 USD/thùng vào cuối tháng 10, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 45 USD/thùng.