07:25 10/07/2008

Chứng khoán thế giới: Phục hồi giả tạo trong thế chân tường?

Duy Cường

Ngày 9/7, chứng khoán châu Á, Âu khởi sắc trong khi thị trường Mỹ sụt giảm thê thảm và bước vào thời kỳ khó khăn hơn

Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm hơn 2% sau nhiều thông tin bất lợi, trong đó khối tài chính có ngày giảm điểm mạnh nhất trong tháng.
Chứng khoán Mỹ đã sụt giảm hơn 2% sau nhiều thông tin bất lợi, trong đó khối tài chính có ngày giảm điểm mạnh nhất trong tháng.
Ngày 9/7, chứng khoán châu Á, Âu khởi sắc trong khi thị trường Mỹ sụt giảm thê thảm và bước vào thời kỳ khó khăn hơn.

Chứng khoán Mỹ: Phục hồi giả tạo trong thế chân tường?

Hôm thứ Tư, giá dầu thô kỳ hạn giao tháng Tám tại NYMEX đã giảm 1 cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 136,05 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ bất ngờ sụt giảm hơn 2% sau khi những dự báo cho thấy lợi nhuận của 500 công ty trong chỉ số S&P 500 sẽ giảm 14,5% trong quý 2/2008.

Trong khi đó việc Tổ chức Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm với 4 đại gia ngành tài chính đã kéo khối này mất điểm thê thảm. Cụ thể, cổ phiếu của Lehman Brothers giảm 11,36%, Merrill Lynch mất 9,25% , Morgan Stanley trượt 6,85% và Goldman Sachs giảm 3,36%.

Chưa hết, các cổ phiếu của nhà cho vay thế chấp địa ốc, các hãng bảo hiểm trái phiếu hàng đầu nước Mỹ cũng trong cơn bĩ cực khi Fannie Mae giảm 13,11% còn Freddie Mac sụt giảm 23,77%, Ambac giảm 4,72% và MBIA giảm 12,85%.

Ngoài ra khối công nghệ, vận tải hàng không…cũng cùng chung số phận với các ngành khác khi sụt giảm mạnh vào kéo thị trường tiếp tục đi vào thế khó khăn hơn và dường như bị dồn vào thế chân tường khi liên tục mất điểm với biên độ giảm rất cao trong khi những ngày hồi phục chỉ thay đổi được gam màu đỏ - xanh trên bảng điện tử nhưng không giúp nhiều cho sự phục hồi của các chỉ số.

Liên quan đến Ngân hàng Merrill Lynch, trước tình cảnh phải tăng vốn thêm 5 tỷ USD theo như ước tính của họ và 6 tỷ USD theo ước lượng của giới phân tích, Ngân hàng Merrill Lynch đang lên kế hoạch bán số cổ phần họ nắm giữ của hai hãng là BlackRock và Bloomberg LP.

Được biết, từ quý 3/2007 đến nay, Merrill Lynch đã phải bơm thêm 30 tỷ USD để bù đắp các khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các khoản bù lỗ liên quan đến hoạt động cho vay thế chấp địa ốc.

Trong khi đó, Morgan Stanley vừa đưa ra nhận định, các hãng bán lẻ ở Mỹ trong năm 2009 sẽ đứng trước thách thức do doanh số bán ra ở nội địa tiếp tục giảm và ngân hàng đầu tư này cũng cắt giảm 3% thu nhập/cổ phiếu (EPS) của các nhà bán lẻ trong năm 2009.

Morgan Stanley cũng cho biết thêm, tình trạng giá trị nhà đất suy giảm, thất nghiệp gia tăng, giá nhiên liệu, lương thực – thực phẩm tăng cao… sẽ tiếp tục gây áp lực lên các nhà bán lẻ trong nửa cuối năm 2008.

Trước những bối cảnh bất lợi từ các lĩnh vực, các chỉ số chứng khoán hôm thứ Tư đã bị nhấn chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt giảm 236,77 điểm, tương đương -2,08%, đóng cửa ở mức 11.147,47.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 59,55 điểm, tương ứng -2,60%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.234,89.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 29,01 điểm, tương đương -2,28%, đóng cửa ở mức 1.244,69.

Chứng khoán châu Âu: Khởi sắc nhờ khối ngân hàng

Hôm thứ Tư, Cơ quan thống kê châu Âu thông báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2008 của 15 quốc gia sử dụng chung đồng Euro đã tăng thêm 0,7%, thấp hơn so với mức tăng 0,8% của quý 4/2007.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Thương mại Pháp cho biết, xuất khẩu của Pháp trong tháng Năm đã giảm 1,7% trong khi đó thâm hụt thương mại của nước này lên mức 4,74 tỷ Euro (7,45 tỷ USD).

Liên quan đến thị trường Đức, Cơ quan thống kê nước này cho hay, xuất khẩu trong tháng Năm đã giảm 3,2% so với tháng Tư, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2004. Trước đó các chuyên gia kinh tế nước này ước tính xuất khẩu của Đức sẽ tăng 0,5%.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu của nước này đã tăng 2,5%. Trong khi đó, thặng dư thương mại của Đức trong tháng Năm đạt 14,4 tỷ Euro (23 tỷ USD), thấp hơn mức thặng dư 18,8 tỷ Euro của tháng Tư.

Theo giới phân tích, giá dầu tăng cao, lạm phát leo thang, kinh tế tăng trưởng chậm lại, đồng Euro lên giá so với USD là những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu của Đức tăng thấp hơn dự kiến.

Chứng khoán châu Âu phiên này đã tăng mạnh mẽ với sự hỗ trợ sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng. Theo đó, cổ phiếu của Ngân hàng Barclays tăng 6%, cổ phiếu Ngân hàng Hoàng Gia Scotland tăng 5,3%, cổ phiếu Deutsche Bank tăng 4,2%, UBS tăng 3,6%...

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của Anh phiên giao dịch này tăng 89,10 điểm, tương đương 1,64%, đóng cửa ở mức 5.529,60, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,85 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tăng 1,30%, khối lượng giao dịch đạt 4,30 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên giao dịch hôm thứ Tư tăng 1,50%, khối lượng giao dịch đạt 190 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Khởi sắc nhờ giá dầu giảm

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Tư đã khởi sắc ở nhiều thị trường sau khi đồng loạt giảm mạnh phiên giao dịch trước đó.

Chứng khoán Nhật đã tăng mạnh mẽ vào buổi sáng do sự khởi sắc của cổ phiếu khối tài chính. Tuy nhiên vào cuối giờ giao dịch, diễn biến thị trường đã thay đổi khi Nikkei 225 dù vẫn duy trì được sắc xanh nhưng biên độ tăng là không đáng kể.

Thông tin Iran đã thử tên lửa khiến giới đầu tư lo ngại động thái này có thể sẽ khiến giá dầu tăng trở lại và đó là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Nhật không thể có phiên đảo chiều ngoạn mục sau khi giảm mạnh phiên trước đó.

Tuy thị trường bị tác động bởi thông tin bất lợi nhưng cổ phiếu khối ngân hàng vẫn tăng mạnh. Tiêu biểu trong số các blue chip khối tài chính tăng điểm là cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 2,3%, cổ phiếu của Mizuho Financial Group tăng 3,9% và Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 3,2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 19,03 điểm, tương đương 0,15%, đóng cửa ở mức 13.052,13.

Chuyển qua thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Seng phiên giao dịch này đã đảo chiều tăng điểm trở lại với biên độ tăng 2,76%.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này giảm 0,05%. Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 1,07%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,92%.

Cuối cùng, chứng khoán Trung Quốc đã tiếp tục lên điểm trong phiên này nhờ giá dầu giảm mạnh trong khi cổ phiếu China Life Insurance tăng 10%. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng được cổ vũ bởi sự khởi sắc của các thị trường khác. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite tăng 3,75%. 
 
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.384,21 11.147,47 -236,77 -2,08
Nasdaq 2.294,44 2.234,89 -59,55 -2,60
S&P 500 1.273,70 1.244,69 -29,01 -2,28
Anh FTSE 100 5.440,50 5.529,60  +89,10 +1,64
Đức DAX 6.304,41 6.386,46  +82,05 +1,30
Pháp CAC 40 4.275,61 4.339,66  +64,05  +1,50
Đài Loan Taiwan Weighted 7.051,85 7.048,25 -3,60 -0,05
Nhật Nikkei 225 13.033,10 13.052,13 +19,03 +0,15
Hồng Kông Hang Seng 21.220,81 21.805,81  +585,00 +2,76
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.533,47 1.519,38 -14,09 -0,92
Singapore Straits Times 2.885,03 2.917,62 +31,00 +1,07
Trung Quốc Shanghai Composite 2.814,95 2.920,55 +105,60 +3,75
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg