14:35 22/01/2008

Chứng khoán thế giới: Thêm một ngày rung chuyển

Kiều Oanh

Những dấu trừ đáng sợ lại tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường chứng khoán toàn cầu hôm nay (22/1)

Giới đầu tư chứng khoán thế giới đang hết sức lo ngại trước nguy cơ suy thoái đang cận kề của kinh tế Mỹ.
Giới đầu tư chứng khoán thế giới đang hết sức lo ngại trước nguy cơ suy thoái đang cận kề của kinh tế Mỹ.
Những dấu trừ đáng sợ lại tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường chứng khoán toàn cầu hôm nay (22/1), sau khi đã áp đảo các bảng giá chứng khoán từ Á sang Âu trong suốt phiên giao dịch hôm qua. Giới đầu tư chứng khoán thế giới đang hết sức lo ngại trước nguy cơ suy thoái đang cận kề của kinh tế Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ lúc này vẫn đóng cửa nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King, nhưng sự bi quan đã lan rộng và ăn sâu trên thị trường này từ những phiên giao dịch tuần trước vẫn tiếp tục phủ vây các thị trường châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Trong khi đó, thông tin về việc kinh tế Trung Quốc có thể "giảm nhiệt" không đúng lúc lại như một đám mây đen mới che phủ thị trường.

Thị trường rực đỏ

Ngày hôm qua, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tuột 3,9%, đóng cửa ở mức 13.325,94 điểm, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mất 2,95%. Trong khi đó, chỉ số chủ chốt của thị trường Ấn cũng giảm 7,4%, chỉ số Hang Seng sụt 5,5% rơi xuống mức 23.818,86 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ vụ tấn công khủng bố vào tòa tháp đôi của Mỹ vào ngày 11/9/2001.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc giảm 5,1%, một phần do những lo ngại về rủi ro đối với các khoản đầu tư của các ngân hàng đại lục vào lĩnh vực cho vay cầm cố tại Mỹ.

Chỉ số FTSE 100 của thị trường châu Âu sụt mất 5,48%, xuống mức 5.578,20 điểm, trong khi Dow Jones Stoxx 600 5,73%, còn 5.578,20 điểm. Chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp tuột mất 6,8%, xuống mức 4.744,15 điểm. Chỉ số DAX 30 của các cổ phiếu blue-chip trên thị trường Đức mất tới 7,2%, còn 6.790,19 điểm. Tính chung, các loại cổ phiếu của châu Ấu mất giá tới 6% trong ngày hôm qua.

Tại thị trường Canada, chỉ số S&P/TSX trên sàn giao dịch chứng khoán Toronto đánh mất 4,8%. Tại sàn Bovesta tại thủ đô Sao Paulo của Brazil, các loại cổ phiếu cũng sụt giá 6,6%. Chỉ số Merval của thị trường Argentina cũng mất đi 6,3% và rơi xuống ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 8/2006.

Kết quả là, ngày hôm qua, chỉ số MSCI's World - hàn thử biểu của thị trường chứng khoán toàn cầu mất đi 3% và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2006. Chỉ số MSCI’s Emerging Market của các thị trường đang nổi lên giảm gần 1%, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 8 năm ngoái.

Ngày hôm nay, “vận đen” vẫn tiếp tục đeo bám giới đầu tư chứng khoán châu Á. Bằng chứng là chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật đã “hoàn thiện” hai ngày mất giá thảm hại nhất trong vòng 17 năm qua. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số này đánh mất 752,89 điểm, tương đương 5,7%, xuống còn 12.574,05 điểm. Chỉ số Topix của thị trường Nhật giảm thêm 73,79 điểm, tức 5,7%, còn 1.219,95 điểm. Như vậy trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số Nikkei đã giảm mất 9,3%, mạnh nhất từ tháng 8/1990.

Như vậy, hai phiên sụt giá vừa qua đã cuốn phăng khỏi Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo số tiền 369 tỷ USD, lớn gấp hơn 2 lần số tiền 145 tỷ USD trong kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói của Tổng thống Mỹ Bush.

Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cũng không “chịu thua” các hàn thử biểu Nhật Bản khi chia tay với 1.914,73 điểm, tức 8,04%, còn 21.904,13 điểm. Chỉ số Strait Times của thị trường Singapore giảm 5,49%, còn 2.756,93 điểm. Chỉ số S&P/ASX của thị trường Australia cũng mất 7,05%, còn 5.186,80 điểm, đánh dấu phiên sụt giảm thứ 12 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2006. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc ngay trong giờ giao dịch đầu tiên đã mất thêm 4%.

Bán tháo vì nhân tố Mỹ, Trung 

Giới đầu tư trên tất cả các thị trường ồ ạt bán tháo cổ phiếu vì nghi ngờ khả năng thành công của kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói cắt giảm 145 tỷ USD tiền thuế mà Tổng thống Mỹ Bush công bố hôm thứ 6 tuần trước. Họ cho rằng, kế hoạch này không thể vực dậy nền kinh tế Mỹ đang “lả” đi vì những rắc rối chưa thể giải quyết trên thị trường địa ốc và cho vay cầm cố.

Mặt khác, thị trường chứng khoán thế giới cũng chịu tác động tâm lý từ cách phản ứng tiêu của thị trường Phố Wall hôm thứ 6 tuần trước sau khi ông Bush công bố kế hoạch vực dậy kinh tế Mỹ kia. Hôm đó, chỉ số Dow Jones không những không tăng mà còn giảm thêm 0,5%, nâng con số thiệt hại của chỉ số này từ đầu năm đến nay lên mức 9%.  Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các công ty châu Á, do đó, thật dễ hiểu khi những mối bận tâm về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế này đã kéo thị trường chứng khoán của châu lục này liên tục đi xuống từ đầu năm 2008 tới nay.

Những lời đảm bảo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke, rằng FED đã sẵn sàng hành động – được hiểu là cắt giảm mạnh lãi suất đồng USD - để cứu kinh tế Mỹ, cũng không đủ để trấn an giới đầu tư.

Trong ngày hôm nay (22/1), thị trường còn chịu tác động bởi những nhận định cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ không đủ để bù đắp cho sự suy giảm của kinh tế Mỹ. Có thể những nỗ lực hạ nhiệt kinh tế của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian qua như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng giá Nhân dân tệ so với USD... đã bắt đầu phát huy tác dụng vào đúng thời điểm này, một thời điểm hoàn toàn không phù hợp. Thông tin này khiến giá cổ phiếu của các công ty hưởng lợi lớn từ thị trường Trung Quốc tuột dốc mạnh mẽ.

Một số nhà phân tích cho rằng, trước mắt vẫn chưa có nhân tố xúc tác nào đảo chiều diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu trong những ngày tới. Theo các chuyên gia này, điều mà thị trường cần hiện nay là những bằng chứng về việc những khoản thua lỗ và thâm hụt tài sản khổng lồ trong lĩnh vực tài chính tại Mỹ đã lui lại phía sau. Trong khi đó, những thông tin này có lẽ chỉ có được vào quý 2 tới đây. Do đó, viễn cảnh thị trường hiện nay là khá u ám.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan thì đưa ra dự báo rằng, châu Á sẽ không chịu ảnh hưởng quá mạnh trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái vì hoạt động thương mại và đầu tư trong nội bộ châu Á đã tăng mạnh, làm giảm bớt sự phụ thuộc của châu lục này vào thị trường Mỹ so với trước đây. 43% lượng hàng xuất khẩu của các nước châu Á, trừ Nhật Bản, hiện được đưa sang các nước trong khu vực, tăng so với mức 37% vào năm 1995.

Những loại cổ phiếu sụt giá mạnh nhất

Dẫn đầu sự lao dốc của thị trường chứng khoán các châu lục trong ngày hôm qua và hôm nay chính là cổ phiếu của các hãng xuất khẩu, các ngân hàng và các công ty liên quan đến khoáng sản.

Không chỉ chịu tác động từ tình hình kinh tế Mỹ, thị trường Nhật còn chịu tác động mạnh từ việc đồng Yên tăng giá so với USD, khiến các nhà xuất khẩu của nước này bị thiệt hại nặng. Cổ phiếu của Toyota hôm qua mất giá 3,3%, cổ phiếu của Honda sụt 3,4%. Tình hình càng tồi tệ hơn khi trong ngày hôm nay, cổ phiếu của Toyota mất giá thêm 7,2%, cổ phiếu của Sony sụt 6,9%. Cổ phiếu của hãng sản xuất máy xây dựng lớn thứ hai thế giới của Nhật Komatsu cũng mất giá tới 8,5%.

Ngày hôm qua, cổ phiếu của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại thị trường Hông Kông mất giá 6,4% sau khi tờ South China Morning Post đưa tin cho hay có thể ngân hàng này sắp công bố một khoản thâm hụt tài sản lớn vì liên quan đến hoạt động đầu tư tín dụng ở Mỹ. Ngân hàng Trung Quốc hiện là ngân hàng nắm giữ lượng tài sản liên quan đến cho vay cầm cố lớn nhất trong số các ngân hàng châu Á. Đó là lý do giải thích tại sao cổ phiếu của ngân hàng này đã mất giá tới 33% kể từ cuối tháng 10 năm ngoái.

Tính đến ngày hôm qua, cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất châu Âu tính về tài sản, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ, đã mất giá tới gần một nửa so với mức cao nhất trong 6 năm vào hôm 1/6 năm ngoái.

Tại Hàn Quốc, dẫn đầu sự lao dốc của thị trường là các công ty được lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong năm qua. Cổ phiếu của hãng đóng tàu lớn nhất thế giới Huyndai sáng nay mất giá 4,6%, trong khi cổ phiếu của hãng thép lợi có nhuận cao nhất thế giới là Posco giảm giá 4,2%.

Giá dầu thô và các loại khoáng sản sụt giảm mạnh cũng khiến cổ phiếu của Mitsui, công ty thương mại hàng hóa lớn của Nhật giảm giá 8,8%. Cổ phiếu của Sumitomo Metal Mining, hãng sản xuất nickel lớn nhất nước này mất giá tới 10%. Trong khi đó, cổ phiếu của hãng khai mỏ BHP-Billiton của Anh và Australia đã sụt giá tới 20% kể từ đầu năm nay.