Chứng khoán thực sự hưởng ứng quyết định tăng lãi suất?
Vẫn có nhiều điểm thiếu chắc chắn trong phiên tăng 1,9% của VN-Index cuối tuần. Thị trường cần kiểm chứng sức cầu rõ ràng hơn
Với thông tin muộn sau giờ đóng cửa, giới đầu tư chứng khoán cuối tuần bàn tán xôn xao những động thái chính sách tăng lãi suất cơ bản và liệu thị trường đã thực sự phản ánh đầy đủ thông tin này hay chưa.
Trong hầu hết các trường hợp, tăng lãi suất luôn đi kèm những biến động giảm mạnh của thị trường chứng khoán vì trên lý thuyết lãi suất cao làm hạn chế dòng vốn chảy vào các kênh đầu tư khác.
Việc tăng lãi suất cơ bản lần này được xem là một động thái đi kèm với các quyết sách khác để nâng giá VND, hạ nhiệt tỉ giá. Sức ép giảm lãi suất thời gian qua cũng góp phần khiến dòng vốn tiết kiệm VND chảy ra khỏi ngân hàng vào các thị trường đầu cơ nóng khác. Con số thống kê về tăng trưởng huy động các tháng tới đây sẽ là chỉ báo quan trong cho thấy tác động của chính sách này.
Việc tăng lãi suất cơ bản thường hàm ý thắt chặt tiền tệ. Như vậy vấn đề khống chế lạm phát được đặt cao hơn tăng trưởng. Thị trường có thể suy diễn rằng 2 tháng cuối năm sẽ không có chuyện cung tiền nhiều. Đối với dòng tiền trực tiếp vào thị trường chứng khoán, chi phí vốn của nhà đầu tư sẽ cao hơn dù là dưới hình thức vay mượn trực tiếp (margin, ứng trước) hay gián tiếp “đi vòng” qua hình thức danh nghĩa khác.
Đối với chi phí vốn của hoạt động sản xuất, hiện vẫn chưa thể biết chắc mức cho vay sẽ tăng lên bao nhiêu vì cơ chế lãi suất thỏa thuận từ trước vẫn ở mức cao và được “núp bóng” các loại phí. Lãi suất thị trường tới đây chắc chắn sẽ biến động theo chiều hướng tăng và liệu doanh nghiệp chịu nhiệt được đến mức độ nào? Cách đây vài tháng, Chính phủ “ép” giảm lãi suất huy động và cho vay vì doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn. Với việc “thả” cho lãi suất tăng thêm, doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn hơn. Mặc dù tăng trưởng chung đã đạt chỉ tiêu nhưng lãi suất cao sẽ là rào cản cho trung hạn đối với chứng khoán.
Câu hỏi xa hơn một chút là liệu mức lãi suất cao như vậy sẽ được duy trì trong bao lâu? Có thể chắc chắn về thời gian áp dụng ít nhất khi Chính phủ tin rằng lạm phát năm nay trong tầm khống chế. Duy trì lãi suất cao có thể gây sức ép đến tăng trưởng cho năm tới vì chi phí vốn sản xuất sẽ khá cao.
Đối với động thái hạ nhiệt tỉ giá, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở việc đánh giá đúng sai, mà sự đa nghi của thị trường cần một câu trả lời rõ ràng hơn: diễn biến tỉ giá có ổn định thời gian tới hay không. Lời nói cần đi đôi với hành động, và hành động cần có biểu hiện hiệu quả thực tế.
Mặc dù quyết sách cung USD ra đáp ứng đủ các nhu cầu sản xuất kinh doanh cần thiết nhưng điều đó cũng hàm ý không phải mọi đối tượng đều có thể tiếp cận dễ dàng. Hoạt động đầu cơ lãi suất vừa qua là có thật và nhu cầu mua lại USD thời điểm cuối năm càng cao, kết hợp với tính mùa vụ càng làm cầu ngoại tệ căng thẳng. Do đó có những căn cứ để giới đầu tư cẩn trọng chờ các diễn biến xác thực hơn từ thị trường này.
Hiện tại các quan điểm nghi ngờ, kỳ vọng vào hiệu quả của chính sách vẫn khá lộn xộn vì bị chi phối bởi vị thế giao dịch cụ thể. Thị trường chứng khoán cuối tuần qua có vẻ phản ứng tích cực với quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng có một số điểm đáng chú ý về diễn biến này.
Thứ nhất, bộ phận nhà đầu tư trong nước vẫn tỏ ra bối rối, chờ các tín hiệu cụ thể hơn trong khi mức độ hưng phấn của nhà đầu tư nước ngoài rất rõ ràng. Xấp xỉ 23% khối lượng và 30% giá trị giao dịch khớp lệnh tại HOSE do khối ngoại mua vào hôm 5/11. Tại HNX, 1,36 triệu cổ phiếu được mua cũng là mức cao đột biến kể từ giữa tháng 9/2010.
Khối ngoại tiếp tục là động lực của các diễn biến chính trên thị trường gần đây. Tuy nhiên hiếm khi thị trường thực sự khởi sắc được nếu không có sự tham gia chủ yếu từ nhà đầu tư trong nước.
Thứ hai, khối lượng giao dịch là điểm chưa tích cực mặc dù thanh khoản phiên cuối tuần tăng 28% so với bình quân của tuần. Lượng giao dịch cần chứng tỏ sự ổn định sau khi thị trường phản ánh đầy đủ thông tin. Tính riêng giao dịch khớp lệnh cổ phiếu thì thanh khoản tuần này giảm nhẹ 3% so với tuần trước và là lượng chuyển nhượng thấp nhất trong 3 tuần gần đây.
Thứ ba, trên phương diện kỹ thuật phiên tăng mạnh cuối tuần chưa đủ để tạo nên sự đột phá về xu hướng. VN-Index vấn đang đi ngang trong kênh giá. Sự hưng phấn một vài phiên tới có thể kéo chỉ số tiệm cận mức kháng cự 470 điểm. Lượng cung ở vùng này sẽ thử thách không nhỏ.