Chứng khoán toàn cầu “dùng dằng” vì số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh
Nhà đầu tư vừa bi quan về số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, vừa lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế
Thị trường chứng khoán thế giới giằng co giữa giảm và tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/1), khi nhà đầu tư vừa bi quan về số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, vừa lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sau khi Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng 2020 cao hơn dự báo.
Theo tin từ Reuters, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu chật vật tìm hướng đi trong suốt phiên và đóng cửa với mức tăng 0,2%.
Tại khu vực châu Á, chỉ số CSI 300 của cổ phiếu blue-chip niêm yết tại thị trường Trung Quốc đại lục tăng 1,1%. Nhà đầu tư Trung Quốc hào hứng sau khi Tổng cục Thống kê nước này đưa ra mức tăng trưởng 6,5% trong quý 4/2020 và 2,3% cho cả năm, tất cả đều cao hơn dự báo.
Tuy nhiên, có một điều khiến giới đầu tư ở Trung Quốc lo lắng là nhu cầu của thị trường trong nước còn yếu và Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số địa phương của nước này. Ngày 18/1 là ngày thứ sáu liên tiếp Trung Quốc phát hiện trên 100 ca nhiễm mới, tập trung ở khu vực phía Đông Bắc, đặt ra nguy cơ xuất hiện một làn sóng virus mới vào đúng thời điểm hàng trăm triệu người ở Trung Quốc chuẩn bị cho các chuyến đi nhân dịp Tết Nguyên đán.
Sự khởi sắc của kinh tế Trung Quốc trái ngược với tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu, nơi làn sóng Covid-19 trong mùa đông khiến tiêu dùng sụt giảm, thể hiện qua số liệu doanh thu ảm đạm của Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước. Dữ liệu tiêu dùng kém khả quan của Mỹ giữ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức cao, xấp xỉ 1,1%. Tuần trước, có lúc lợi suất trái phiếu này đạt gần 1,2%, cao nhất từ tháng 3 năm ngoái.
Reuters cho biết, với tâm lý thận trọng, nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu đang tăng cường nắm giữ tiền mặt, đặc biệt là USD - một đồng tiền có vị thế "vịnh tránh bão". Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hiện dao động quanh ngưỡng 90,8 điểm, đã tăng khoảng 0,95% từ đầu năm và đang cao nhất kể từ hôm 21/12. Cách đây chưa lâu, chỉ số này có lúc trượt về 89,2 điểm, thấp nhất gần 3 năm.
Vào hôm thứ Năm tuần trước, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố một gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, có một điều khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn là rất có thể kế hoạch này sẽ không được Quốc hội Mỹ thông qua một cách nhanh chóng, bởi sắp tới Thượng viện sẽ bận rộn với việc xét xử Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump sau khi Hạ viện luận tội ông mới đây.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm trong phiên đầu tuần, với chỉ số Nikkei 225 trượt 1% khỏi mức đỉnh của 30 năm.
Chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán toàn cầu giảm 0,05%, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong tuần trước.
Chỉ số S&P 500 tương lai của Phố Wall gần như di chuyển ngang. Thị trường tài chính Mỹ đóng cửa phiên ngày thứ Hai để nghỉ lễ tưởng niệm Martin Luther King.
Xu hướng tăng điểm mạnh mẽ gần đây của chứng khoán Mỹ và toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu cổ phiếu đã bị đẩy lên ngưỡng cao quá mức.
Trong một báo cáo vào tuần trước, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS Global Wealth Management nhận định rằng tất cả mọi tiền đề của một bong bóng đều đã hiện hữu. "Lãi suất ở mức thấp kỷ lục, nhiều nhà đầu tư mới bị hút vào thị trường, mức tiết kiệm cao và triển vọng lợi nhuận thấp của những tài sản truyền thống. Tất cả cùng tạo ra phương tiện và mong muốn tham gia vào hoạt động đầu cơ", ông Haefele nhận định.
Báo cáo này cũng cảnh báo nhà đầu tư trong những tháng sắp tới cần đặc biệt chú ý đến "rủi ro chính sách tiền tệ đảo ngược, mức định giá cổ phiếu lên cao, và tốc độ hồi phục kinh tế hậu Covid-19". Tuy nói rằng hoạt động đầu cơ đang diễn ra mạnh mẽ, ông Haefele tin rằng thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung hiện chưa ở trong tình trạng bong bóng.