Chuyện bác sĩ lãnh đạo bệnh viện vướng vòng lao lý “nóng” nghị trường
Chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới các vụ bác sĩ với chức danh lãnh đạo cơ sở y tế bị điều tra, khởi tố liên quan tới sai phạm trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế thời gian qua...
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về việc nhiều bác sĩ có chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đảm nhiệm tốt công việc quản trị.
“Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế có nguyên nhân từ sự thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện. Vậy đã đến lúc phải tách bạch công việc chuyên môn và quản trị?”, ông Hòa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chia sẻ sự đau xót khi cả nước đang phải căng mình chống dịch thì hàng loạt cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý liên quan đến vi phạm trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men.
“Về vấn đề này, trách nhiệm chủ quan của mỗi cá nhân đã được các cơ quan pháp luật chỉ ra. Tuy nhiên, một phần cũng do cơ chế và đặc biệt là công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là cơ quan quản lý lĩnh vực. Tôi mong Bộ trưởng nói rõ thêm về việc hướng dẫn, kiểm tra giám sát của Bộ Y tế trong việc để xảy ra những sai phạm như vậy”, đại biểu đoàn Đồng Nai chất vấn Bộ trưởng Y tế, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm rõ thêm vai trò của cơ quan bảo vệ pháp luật trong vụ này.
CỐ GẮNG TÁCH BẠCH CHUYÊN MÔN VÀ VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH, QUẢN LÝ
Giải trình về băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ những sai phạm của một số cán bộ y tế thời gian qua là vấn đề đau lòng và xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để quy định và hướng dẫn trong lĩnh vực này, và thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các sai phạm.
Về việc tách bạch giữa công tác quản lý và chuyên môn, cũng như việc bổ nhiệm cán bộ quản lý đối bệnh viện, Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Bộ Y tế đã thay đổi rất nhiều.
"Đối với các bệnh viện, chúng tôi đều đề nghị có một người quản lý kinh tế và không nhất thiết phải có chuyên ngành y. Và người đó phải có chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán", Bộ trưởng nói và cho biết thời gian qua một số đơn vị đã triển khai vấn đề này.
"Chúng tôi xin được tiếp thu ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa để làm sao thời gian tới đây, trong quản lý ngành y được minh bạch hơn, rõ ràng hơn, nhất là về quản lý tài chính tại các cơ sở y tế công lập”.
Giải thích rõ hơn về công tác quản lý nhân sự ngành y, ông Long cho biết việc này được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước đối với các đơn vị về sự nghiệp công, trong đó có quy định về giám đốc và các phó giám đốc bệnh viện. Theo Luật Khám, chữa bệnh và theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã cố gắng tách bạch riêng giữa người quản lý chuyên môn và người quản lý về mặt tài chính.
Tuy nhiên, tại các địa phương, theo thẩm quyền, UBND cấp tỉnh, thành phố thực hiện quản lý tổ chức y tế theo địa bàn và quản lý nhân sự. Bộ Y tế không có thẩm quyền chỉ đạo việc này.
“Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan để minh bạch hóa toàn bộ quá trình, xây dựng các quy định, thể chế để cố gắng hạn chế tối đa những vấn đề sai phạm như trong thời gian qua”, Bộ trưởng nói.
Cho rằng lời giải đáp này chưa thỏa đáng, đại biểu Hoàng Văn Cường dùng quyền tranh luận để chất vấn thêm Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.
"Bộ trưởng nói sẽ phân công người phụ trách về kinh tế trong bệnh viện. Nhưng nếu xảy ra sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm", ông Cường phân tích.
Theo quy định, hàng năm cơ quan chủ quản đều phải duyệt quyết toán với vốn sử dụng từ ngân sách, còn hoạt động từ vốn của đơn vị thì phải kiểm tra báo cáo tài chính.
"Những cơ quan có chuyên môn về kinh tế khi kiểm tra các báo cáo tài chính không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các giáo sư, bác sĩ chỉ có chuyên môn y tế làm sao phát hiện ra được", ông Cường nói và cho rằng trong này có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Trả lời đại biểu Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, theo quy định của Đảng, Nhà nước thì người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị.
Ở mỗi đơn vị, người đứng đầu chịu trách nhiệm thiết lập cơ chế làm việc, kiểm tra, giám sát và triển khai công việc. Do vậy, nếu đơn vị xảy ra sai phạm thì dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
“Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật với cơ sở y tế toàn quốc. Nhưng với vấn đề nhân sự, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra thì do UBND các tỉnh, thành. Địa phương cũng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, nhưng chỉ mang tính chuyên môn; còn về kinh tế, đấu thầu, mua sắm do địa phương xử lý”, Bộ trưởng giải thích.
Ông cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Y tế đã thường xuyên nhắc nhở các đơn vị phải chấp hành đúng quy định về quản lý đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ thực tế rằng, dù Chính phủ cho phép mua sắm trang thiết bị y tế trong tình trạng khẩn cấp, nhưng một số địa phương vẫn có tâm lý "ngại mua sắm".
"Chúng ta rất đau lòng vì những sai phạm xảy ra, nhưng phải xử lý đúng quy định", ông Long chia sẻ.
TRONG CÁC VỤ SAI PHẠM "KHÔNG CÓ LỖI CƠ CHẾ, HỆ THỐNG"
Tham gia trả lời chất vấn thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận thời gian qua xảy ra nhiều vụ án vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, đặc biệt là các vụ xảy ra tại các bệnh viện lớn, đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.
Điển hình một số vụ như tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La… Qua đấu tranh hiện nay các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội.
“Qua những vụ việc này, dư luận cho rằng các vi phạm do cơ chế hoặc lỗi cơ chế hoặc hệ thống. Nhưng chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này. Ở đây đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn để lách luật và có những vi phạm hình sự đáng phải xử lý”, ông Lâm nói.
Bộ trưởng Bộ Công An cũng cho biết, trong xử lý hình sự các vụ việc này, cơ quan điều tra đều yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và chứng minh được yếu tố tư lợi, tham nhũng, tham ô, trục lợi. Ông dẫn chứng việc lãnh đạo cơ sở y tế thông đồng với nhà thầu để đẩy giá lên và ăn chia nhau và khẳng định đây là biểu hiện của tham ô, tham nhũng.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, quy trình đầu tư cơ sở vật chất, công tác triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm.
Ông cũng đề nghị các bộ ngành chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng, trang thiết bị y tế vào nhóm mặt hàng bình ổn và quản lý giá, không để các doanh nghiệp cấu kết, thông đồng với các cơ quan, đơn vị để nâng giá, trục lợi.