Chuyển đổi số ngành du lịch: Phụ thuộc năng lực của doanh nghiệp?
Tại Đối thoại chuyên đề “Mở cửa du lịch hậu Covid – Những vấn đề nóng cần giải quyết” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 20/3, chuyển đổi số là một trong những chủ đề “nóng” được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương đặc biệt quan tâm...
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), cho biết đầu tư chuyển đổi số trong ngành du lịch cần sự bền bỉ và chọn lọc.
“Với Sun Group, chúng tôi thực hiện 2 việc. Một là, thực hiện trong nội bộ với ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống số liệu và quản trị kinh doanh. Hai là, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Covid-19 là cái cớ để quá trình chuyển đổi số phải diễn ra nhanh hơn. Thói quen du khách thay vì đặt dịch vụ qua các kênh truyền thống, họ đã chuyển qua đặt trực tuyến. Chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, chúng tôi triển khai hành trình một chạm, chạm thông minh…”, đại diện Sun Group chia sẻ.
Việc ứng dụng công nghệ giúp khách hàng của Sun Group giờ đây không cần tiếp xúc và chờ đợi nhiều, chỉ cần sử dụng các ứng dụng, hệ thống tự động…
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số không phải điều dễ dàng do nguồn lực còn hạn chế.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là sân chơi của những doanh nghiệp có tài chính và "dám nghĩ dám làm", ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, cho biết hiện tại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số với 80% vẫn sử dụng các phần mềm thông minh đơn giản để tiếp cận và quản lý khách hàng.
“Chuyển đổi số để chúng ta phát triển một cách bài bản, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trước, phải có người làm, phải có người hiểu về kỹ thuật, công nghệ thông tin về mã nguồn mở. Rồi đến nguồn tài chính để đầu tư dài hạn”, ông Khánh phân tích.
Thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, hiện đang đi dần trên con đường chuyển đổi số.
“TienPhong Travel cũng vậy, năng lực tới đâu thì mình làm tới đấy. Đầu tiên, dùng phần mềm thông minh trước, như vậy vẫn tiếp cận được khách hàng, vẫn phục vụ khách hàng và quản lý được dữ liệu khách hàng. Tiếp theo là xây dựng nền tảng để cạnh tranh với nước ngoài. Đây là bài toán dài hơn”, ông Khánh nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp cần đặt câu hỏi rõ ràng rằng “mục đích của chuyển đổi số là gì, cho ai và mình có phù hợp với việc chuyển đổi số đó hay không?” bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn “lơ mơ” về chuyển đổi số.
Đồng quan điểm rằng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hình dung rõ về việc phải chuyển đổi số như thế nào, đại diện Sun Group cho rằng hiện tại, các nền tảng du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường, nhiều hãng thương mại điện tử, công nghệ cũng đang “dòm ngó” để lấn sân sang lĩnh vực du lịch. Do đó, doanh nghiệp nếu không chuyển đổi số thì sẽ sớm tụt hậu.
Dẫn ví dụ về hãng lữ hành 178 năm tuổi Thomas Cook sụp đổ vì chậm chuyển đổi số, bà Nguyện thông tin giờ đây khách hàng đặt dịch vụ trên nền tảng và phần mềm chứ không còn làm việc qua email hay đến trực tiếp nữa.
“Các nền tảng thương mại điện tử, công nghệ cũng đang nhìn thấy tiềm năng từ ngành du lịch và họ sẽ lấn sân. Do đó sự cạnh tranh sẽ rất lớn”, bà Nguyện nói.
Tham gia thảo luận về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khuyến doanh nghiệp nên sử dụng vốn của mình để chuyển đổi số, còn phía ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
“Không có gì bằng sự chia sẻ. Doanh nghiệp nên trao đổi với các tổ chức tín dụng rằng chúng tôi muốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và chuyển sang chuyển đổi số, và phần vốn tự có chúng tôi sẽ dành để chuyển đổi số. Còn lại, phần vốn kinh doanh thiếu thì các ngân hàng hỗ trợ để phục vụ vừa chuyển đổi số vừa phục vụ sản xuất kinh doanh được”, ông Hùng nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng khẳng định thời gian tới, các ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, tiếp cận vốn nhanh nhất, thuận tiện nhất, đặc biệt là với gói phục hồi kinh tế - xã hội 350 nghìn tỷ. Ngành ngân hàng sẽ có một thông tư riêng để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi nhất.
Cũng tại tọa đàm, chia sẻ về tiến trình chuyển đổi số tại địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã đi rất sớm trong chuyển đổi số ngành du lịch với việc ban ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số với các sản phẩm cụ thể.
“Trong đề án thành phố thông minh mà chúng tôi đang triển khai, chuyển đổi số đang thực sự rất cấp thiết, nếu không có phương tiện thông tin tốt thì không thể điều hành tốt được. Doanh nghiệp phải số hóa bằng công nghệ. Ngoài vấn đề quốc phòng, trao đổi thông tin thì thanh toán trực tuyến cũng cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, vừa quản lý được dòng tiền, doanh thu”, ông Thủy nói.
Tuy nhiên, ông Thủy cũng đề xuất các doanh nghiệp công nghệ đưa ra các gói sản phẩm công nghệ thiết thục với chi phí hợp lý để cả những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng tiếp cận được bởi “chuyển đổi số không phải là nhà nước bỏ tiền hết”.