21:02 24/11/2014

“Cơ hội vàng” thay đổi mô hình chính quyền địa phương

Nguyễn Lê

Tranh luận nhiều chiều về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại nghị trường

Trụ sở UBND Tp.HCM - Ảnh: PLO.<br>
Trụ sở UBND Tp.HCM - Ảnh: PLO.<br>
Người chọn phương án một, người “gật” phương án hai, có vị “chê” cả đôi, quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương là nội dung được tranh luận sôi nổi tại nghị trường, sáng 24/11.

Hai phương án

Với phương án ở quận, phường không tổ chức hội đồng nhân dân, dự thảo luật quy định cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức ở tỉnh, huyện, xã; thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố/(đơn vị hành chính tương đương) thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn. Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính quận, phường.

Phương án thứ hai là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Khẳng định mô hình chính quyền hiện nay là bất cập, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh đây là “cơ hội vàng” để đổi mới mạnh mẽ, như là một cuộc cách mạng về tổ chức, về bộ máy hành chính nhà nước, từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, cả hai phương án nói trên, theo đại biểu Tâm, là đều không phù hợp. Quan điểm của vị đại biểu này là chính quyền ở nông thôn vẫn giữ ba cấp, còn ở đô thị chỉ nên hai cấp.

Một chính quyền hai cấp tức là có hội đồng nhân dân và có ủy ban nhân dân được tổ chức ở cấp thành phố và cấp phường, bà Tâm giải thích.

Thêm một lần nhấn mạnh xây dựng luật là cơ hội rất quý để thay đổi về mô hình cho phù hợp với xu thế phát triển, đại biểu Tâm nói, “lần này nếu chúng ta chần chừ, không quyết định được vấn đề này, sẽ làm cho nhân dân thất vọng, mất niềm tin ở Quốc hội”.

Quyền lực phải được kiểm soát

Vẫn còn rất nhiều băn khoăn, song một số vị đại biểu khác cũng đã đưa ra lựa chọn khá dứt khoát.

Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để có thể lựa chọn phương án một, đại biểu Đỗ Thị Hoàng, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh lập luận, việc phân định địa giới hành chính nội vùng đô thị chỉ có tính chất ước lệ, không có ý nghĩa về kinh tế, xã hội đầy đủ như ở vùng nông thôn.

Do đó, việc quản lý của chính quyền đô thị chủ yếu là quản lý ngành, lĩnh vực và điều tiết cung ứng các dịch vụ công cộng, xã hội.

Nếu phân chia thẩm quyền cấp chính quyền quá nhỏ đến phường sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa cát cứ, dẫn đến không đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân trong việc phát triển ngành, lĩnh vực cũng như việc cung ứng và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản của xã hội, đại biểu Hoàng phân tích.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trương Thị Huệ bày tỏ đồng tình với phân tích này.

Nhưng, nhiều hơn cả vẫn là các ý kiến nghiêng về phương án hai với lý lẽ, nơi nào có chính quyền, nơi đó có cả hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.

Nếu không tổ chức hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn, điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trần Minh Diệu, thiết kế mô hình chính quyền địa phương trong giai đoạn tới vẫn phải theo hướng tổ chức các cấp chính quyền gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, đúng với quy tắc rất quan trọng của một thể chế dân chủ.

"Ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có kiểm soát quyền lực", đại biểu Phương Thị Thanh phân tích.

"Tôi mong rằng đến dự thảo lần sau trình Quốc hội sẽ không còn phương án một, phương án hai gì nữa, duy nhất chỉ có một phương án, đó là chính quyền có hội đồng nhân dân và có ủy ban nhân dân", đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) góp ý.

 Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch cho rằng, bây giờ bàn nơi nào có hay không có hội đồng nhân dân thì không có cơ sở. Mà phải đi từ gốc vấn đề là xác định rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương trong hệ thống nền hành chính quốc gia.

"Quá trình chuẩn bị dự thảo luật còn nhiều khiếm khuyết, trong một đạo luật mà tới 31 chỗ chọn phương án, chứng tỏ là còn lúng túng", Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ góp ý.

Thể hiện điều mong muốn nhất là tổ chức một nhà nước thông suốt, hiệu quả, phục vụ nhân dân, đại biểu Ngô Văn Mình đề nghị thiết kế dự án luật heo hướng cái gì đã ổn định thì nên giữ ổn định, cái gì đổi mới thì thực sự cải cách thật mạnh mẽ, không nên làm “nửa dơi, nửa chuột”.