09:08 08/06/2007

Có một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Nguyễn Anh Hồng

Chính quyền Mỹ đã đề nghị chi một khoản ngân sách cả gói cho quốc phòng 715 tỷ USD trong năm 2008, cao gấp 8 lần so với Nga

Một tàu ngầm nguyên tử của Mỹ.
Một tàu ngầm nguyên tử của Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh G-8 diễn ra tại thành phố Heiligendamm (Đức) từ ngày 6/6 thảo luận các chủ đề thay đổi khí hậu toàn cầu, giảm đói nghèo cho châu Phi, những diễn biến phức tạp tại Trung Đông và Kosovo.

Nhưng với những động thái diễn ra trước đó, giới phân tích cho rằng kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu bị Nga phản đối mạnh mẽ, đã phủ bóng đen lên hội nghị.

Trả lời phỏng vấn nhật báo hàng đầu của Italia Corriere della Sera, Tổng thống Nga Putin nói nước này chưa từng hướng tên lửa sang châu Âu kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng Mỹ có kế hoạch triển khai hệ thống “Lá chắn tên lửa” tại Ba Lan và CH Séc, cũng như thiết lập các căn cứ quân sự tại Rumani và Bungari trong năm nay, buộc Nga phải hướng tên lửa vào các mục tiêu ở châu Âu. Kế hoạch của Mỹ có thể phát sinh cuộc chạy đua vũ trang mới mà Nga không chịu trách nhiệm.

Tung tiền vào lò lửa

Chính quyền Mỹ đã đề nghị chi một khoản ngân sách cả gói cho quốc phòng 715 tỷ USD, trong đó 481 tỷ USD chi cho hoạt động của Lầu Năm góc năm 2008, chi 142 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm tới, chi 93 tỷ USD cho hoạt động quân sự năm nay, vượt con số đã duyệt tới 70 tỷ USD. Chi phí quân sự của Mỹ hiện cao gấp đôi so với các nước trong khối NATO, gấp 4,5 lần so với Trung Quốc và gấp 8,5 lần so với Nga. Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng thêm 17,8%, lên mức 45 tỷ USD/năm.

Tổng thống George Bush đã phê chuẩn dự luật cho phép viện trợ quân sự cho những nước Anbani, Croatia và Maxedinia ở khu vực Bancăng; Grudia ở khu vực Capcadơ và Ucraina ở Đông Âu có triển vọng gia nhập NATO. Khoản viện trợ này sẽ được giải ngân trong tài khoá 2008.

Trước động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Kamynin nói hành động của Mỹ không giúp ổn định tình hình an ninh tại khu vực này. Theo Hãng tin Nga RiA-Novosti, chính quyền Mỹ đã chi hơn 110 triệu USD cho cuộc “Cách mạng mầu sắc” tại Ucraina và Cưrogưstan, nhằm thành lập tại những nước này chế độ dân chủ có lợi cho Mỹ.

Một trong những mặt hàng chính kiếm lợi nhuận cao nhất hiện nay là xuất khẩu vũ khí. Từ năm 2001, số tiền bán vũ khí của Mỹ lên tới 10-13 tỷ USD/năm, riêng năm 2006 đã vượt kỷ lục 21 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Mỹ đã bán vũ khí cho các nước đang phát triển, trong đó có 2.099 hệ thống tên lửa đất đối không, 10 tầu chiến, kể cả tầu sân bay và tầu khu trục, trong khi các nhà sản xuất tầu chiến lớn nhất ở châu Âu chỉ bán được 13 tầu. Số lượng tên lửa và vũ khí của Mỹ bán nhiều hơn Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 trên thế giới là 20%. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thoả thuận với Mỹ mua 100 máy bay chiến đấu hiện đại với giá 1,78 tỷ USD, trong đó có Lockheed Martin F-16. Mỹ đã bán loại máy bay này cho các nước Israel, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Ba Lan, Hàn Quốc, Oman và Bồ Đào Nha...

Cuộc đua về tên lửa và tầu chiến

Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với Tập đoàn Lockheed Martin (LM) đóng 55 tầu chiến đấu thế hệ mới để truy tìm tầu ngầm, dò thuỷ lôi và săn đuổi các tàu ven biển. Kinh phí cho giai đoạn nghiên cứu đầu tiên trong chương trình này đã lên tới 1,7 tỷ USD. Chi phí đóng chiếc tàu thứ nhất mới hoàn thành 3/4 công việc đã tốn kém 350 triệu USD, so với ước tính ban đầu 270 triệu USD/tầu. Lầu Năm góc còn cho biết quân đội Mỹ vừa bắn hạ thành công một tên lửa Scud được phóng đi từ quần đảo Hawai và đã bị bắn chặn bằng một quả tên lửa thuộc hệ thống THAAD, một hệ thống phòng thủ chống tên lửa bằng các dàn tên lửa đánh chặn tầm xa được triển khai ở vùng Alaska và California.

Tại Liên hợp đóng tàu Sevmash của Nga đã xuất xưởng tàu ngầm nguyên tử mới thế hệ thứ 4 mang tên Yuri Dongoruki. Tầu này có chiều dài 170 mét, rộng 13,5 mét, chi phí 23 tỷ Ruble. Tầu ngầm nguyên tử Yuri Dongoruki sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa chiến lược “Balava-M” với các đầu đạn hạt nhân có thể tiêu diệt những mục tiêu cách xa tới 8.000 km. Ngoài tên lửa đạn đạo, tàu này còn được trang bị các máy phóng thuỷ lôi.

Ấn Độ vừa phóng thử tên lửa tầm trung Agni-3 hai tầng, dài 16 mét, nặng 48 tấn, có tầm bắn xa hơn 3.000 km. Ông M. Natarajan, người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) khẳng định nước này đã có khả năng chế tạo loại tên lửa có tầm bắn tới 5.500 km mang đầu đạn hạt nhân 300 kiloton, hoặc đầu đạn thông thường nặng 1,5 tấn.