15:26 21/08/2015

Có nên trở thành… mẹ của một thần đồng?

PV

Càng lớn lên, bé Maya càng tạo ra những “kỉ lục” khiến người khác phải kinh ngạc. Được 12 tháng tuổi, bé đã có thể hát theo tất cả các bài hát trong đĩa nhạc của bé Xuân Mai. Khi tròn 3 tuổi, bé chọn 1 quyển sách từ giá và bắt đầu đọc: “Đây là ô tô của tôi. Ô tô của tôi màu đỏ…” Và dù chị Nhung đưa con đi đâu, những vị phụ huynh khác đều hỏi: “Chị đã dạy cháu thể nào vậy?” Bá là thần đồng sao? Những câu chuyện như của bé Maya chính là những ví dụ tất cả khiến các bậc phụ huynh bị kích động. Cứ thử cho một vài người mẹ ngồi cùng nhau xem, theo bản năng kiểu gì họ cũng rút ra những biểu đồ so sánh. Xã hội càng phát triển, điều đang dần trở nên phổ biến là sự thôi thúc phải có một đứa con “phi thường”. Phải rồi, cậu quý tử của bạn không thể chỉ là một đứa trẻ bình thường, chả có gì đặc biệt – con bạn phải thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn và giỏi giang hơn.

Có nên trở thành… mẹ của một thần đồng? - Ảnh 1

Nếu bạn cho rằng thời buổi này làm bố mẹ cũng là một môn thể thao cạnh tranh thì cũng chẳng có gì là sai cả.

Ngay cả chuyên gia về tâm lý hành vi trẻ em – bác sỹ Adam Khoo có hai con gái ở độ tuổi 6 và 4, cũng thừa nhận: “Trước khi có con, tôi và vợ tôi luôn nói: Chúng mình đừng có trở thành những bậc phụ huynh cầu toàn hiếu thắng. Nhưng ngay khi chúng tôi nghe thấy ai đó kể rằng đứa trẻ này đứa trẻ kia mới bằng tuổi con tôi nhưng đã có thể đọc hay chạy… là chúng tôi cũng quên béng mất sự thật con trẻ phát triển với tốc độ khác nhau. Điều đó khiến chúng tôi luôn muốn làm mọi việc để các con mình có sự khởi đầu với vị trí đứng đầu.” Thôi thúc muốn đẩy nhanh quá trình phát triển là nguyên nhân của sự tăng vọt các lớp học phụ đạo dành cho trẻ. Ngày càng có thêm nhiều lớp học ngoại khoá nơi mà một em bé 10 tháng tuổi đã bắt đầu học cảm thụ âm nhạc, còn những em bé 3 - 4 tuổi thì học cách tính nhẩm nhanh hơn cả máy tính... Về phần chị Vũ Thị Nhung – mẹ bé Maya, chị và chồng thay phiên nhau cùng với  người giúp việc thường xuyên đưa con đến với những trò chơi ngoài trời. Chị Nhung thuộc nhóm những bà mẹ cực kỳ ủng hộ việc trẻ khám phá và tỏ ra vui thích qua việc sử dụng 5 giác quan của mình: vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác và xúc giác. Ngoài ra, bé Maya chỉ tham gia lớp học tiếng Anh có 1 lần mỗi tuần. Điều đó chứng tỏ rằng bé Maya có sự phát triển hoàn toàn tự nhiên chứ không phải do sự gò ép của phụ huynh, nhưng chị Nhung vẫn tiếp tục lo ngại rằng những đứa trẻ phát triển nhanh như con mình sẽ có thể bỏ qua một vài bước của sự phát triển, và để lỡ một số mốc quan trọng đóng vai trò chủ chốt trong sự hình thành khả năng toàn diện của trẻ. “Tôi luôn luôn nghĩ rằng trẻ con phải học bò trước khi biết đi, phải biết chơi thành thạo trước khi bắt đầu học... Nên tôi khá lo ngại khi con mình ở tuổi lên 4 lại tỏ ra thích đọc sách hơn là chơi búp bê. Đây là con tôi phát triển tự nhiên mà tôi còn lo ngại như vậy, nếu bậc phụ huynh nào lại còn gò ép con để buộc đứa trẻ phải đạt được những điều thần kỳ, thì tôi thấy thật đáng trách...” Nếu con tôi chậm phát triển hơn? Hãy nhớ là có đứa trẻ biết nói rất sớm thì sẽ có trẻ gặp khó khăn khi học nói. Nếu nhóc của bạn triền miên chậm phát triển hơn những bé cùng độ tuổi, đừng hoảng sợ. Trong khi đó, hãy làm những gì có thể để động viên cháu học, và để cháu phát triển theo đúng tốc độ của cháu.

Có nên trở thành… mẹ của một thần đồng? - Ảnh 2

Hầu hết mọi đứa trẻ có thể “bắt kịp” theo thời gian – đúng, thậm chí sau khi chúng đã được 3 tuổi, thời điểm mà các kết quả nghiên cứu cho rằng não trẻ đã định hình được 75%. Chuyên gia tâm lý trẻ em và cũng là cố vẫn của tạp chí Young Parents (Singapore), Giáo sư Richard C. Woolfson chia sẻ: “Tất nhiên, sự kích thích là một nhiệm vụ quan trọng của bậc phụ huynh, nhưng nên có sự cân bằng. Thật không may, một số cha mẹ quá chú trọng vào việc khiến con mình tiến bộ nhanh hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi đến nỗi họ thúc ép quá đà. Điều này tạo nên những áp lực không cần thết.” Hãy cho con tham gia các lớp học và hoạt động vừa học vừa chơi như âm nhạc, múa và bơi, nhưng đừng ép buộc chúng nếu chúng không thích. Điều quan trọng nhất, không được so sánh con với các bạn học khác. Con của ai đó có thể đọc lúc lên 3 tuổi không có nghĩa con bạn cũng cần phải như thế. Tệ hơn nữa, bạn không bao giờ được nói với con là kém cỏi, nếu không cháu sẽ chán ghét việc học. Tất cả trẻ em đều mong muốn những điều như nhau, cảm nhận được tình yêu và quan trọng hơn là được quan tâm và động viên. Trên thực tế, không hề có một chứng minh nào cho thấy một đứa trẻ luôn vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa khi còn nhỏ chắc chắn sẽ trở thành một người thành công nổi bật khi trưởng thành. Thường thì những đứa trẻ phi thường sẽ thấy khó kết bạn cùng với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Trẻ cũng thấy chán đi học vì trẻ luôn dẫn đầu trong lớp, học giỏi hơn tất cả các bạn khác... Điều này được đưa ra như một lời tổng kết của một bài báo đăng trên tờ The Daily Mirror của Anh. Năm ngoái, bài báo viết về 7 thần đồng vĩ đại và đúc kết được rằng Chỉ số Thông minh (IQ) cao không đảm bảo rằng khi lớn lên sẽ thành công. Giáo sư Woolfson lưu ý: “Thay về chỉ quan tâm đến sự phát triển của chỉ số Thông minh, tốt hơn là bạn nên chú trọng đến việc khuyến khích sự tiến bộ toàn diện: tiến bộ về nhân cách, về tình cảm, về khía cạnh xã hội, ngôn ngữ, trí tuệ và thể chất. Đó mới chính là cách tốt nhất để dành cho con một tuổi thơ hạnh phúc.” Đây cũng là điều mà bà mẹ của “thần đồng”, chị Vũ Thị Nhung muốn dành cho con của mình là bé Maya. Chị nói: “Tôi hoàn toàn không hề mong đợi con mình đạt toàn điểm A ở trường. Tôi muốn con hòa nhập với cuộc sống thực sự chứ không chỉ sống quá sách vở. Tôi chỉ muốn tạo nên những đứa trẻ biết suy nghĩ độc lập, luôn tự tin, vui vẻ và sáng tạo. Vì thế, dạo thời gian gần đây tôi cố gắng lôi kéo con ra công viên vào các buổi chiều, để giảm thời gian con vùi đầu vào những cuốn sách. Con thông minh cũng tốt, nhưng tôi thích nghe thấy tiếng con cười hơn”!

Tuệ Mỹ