19:43 30/06/2008

Cổ phần hóa đợi thời cơ

Tuấn Linh

Thời điểm hiện nay chính là cơ hội để các doanh nghiệp sắp IPO chuẩn bị thật tốt cho ngày “ra chợ”?

Từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc, một số doanh nghiệp khi thực hiện IPO đã không đạt được kỳ vọng như mong đợi - Ảnh: VNN.
Từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc, một số doanh nghiệp khi thực hiện IPO đã không đạt được kỳ vọng như mong đợi - Ảnh: VNN.
Năm 2007, thặng dư vốn từ IPO (phát hành cổ phần lần đầu) của doanh nghiệp Nhà nước là trên 32 nghìn tỷ đồng, gấp 4,66 lần vốn Nhà nước bán.

Từ cuối 2007 đến nay, thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều “đại gia” sắp IPO lỡ hẹn, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước dường như bị buông xuôi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là lúc để doanh nghiệp chuẩn bị đón thị trường hồi phục và xa hơn là phát hành ra quốc tế.

Cái khó ló cái khôn


Theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 2007, Nhà nước sắp xếp được 271 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, cổ phần hóa 150 đơn vị, nâng tổng số đơn vị được sắp xếp là 5.3667 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa là 3.756 doanh nghiệp.

Nếu như những năm trước, tiến trình cổ phần hóa chỉ tiến hành ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ thì năm ngoái, Nhà nước đã mạnh dạn sắp xếp, cổ phần hóa những đơn vị lớn hơn. Chẳng hạn, năm 2007 đã cổ phần hóa 17 doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 100 tỷ đồng/doanh nghiệp, đem lại nguồn vốn thặng dư khổng lồ.

Trong đó, không thể không nhắc đến những doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng như Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí, Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Công ty Tài chính Dầu khí, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội

Bộ Tài chính cho biết, năm 2007, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức IPO thành công cho 96 doanh nghiệp Nhà nước với tổng số vốn điều lệ là 53.433 tỷ đồng, tổng số cổ phần chào bán trên 745 triệu cổ phần, trong đó số cổ phần bán được là 687 triệu, đạt 92% số cổ phần chào bán.

Tổng giá trị thu về cho Nhà nước và doanh nghiệp qua đấu giá là trên 38.893 tỷ đồng, Nhà nước thu được thặng dư vốn là 32.023 tỷ đồng, bằng 4,66 lần so với số vốn Nhà nước bán ra.

Chỉ tính riêng cổ phần hóa 3 đơn vị kinh doanh khí hoá lỏng miền Bắc (PVGas North), khí hoá lỏng miền Nam (PVGas South) và Đạm Phú Mỹ (PVFCCo) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) đã thu được thặng dư vốn gần 7.000 tỷ đồng.

Nhưng từ cuối năm 2007, đầu năm 2008, thị trường chứng khoán liên tục xuống dốc, một số doanh nghiệp khi thực hiện IPO đã không đạt được kỳ vọng như mong đợi, tiêu biểu là Sabeco, Habeco. Thậm chí, một số đơn vị phải hoãn kế hoạch IPO như Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)... Điều này đã làm dấy lên lo ngại về sự đình trệ của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên giữ nguyên tiến độ IPO các doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục cung hàng ra thị trường, bất chấp sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và cho rằng, giá thấp mới phản ánh đúng giá trị cổ phiếu.

Hãy khoan phán xét những “lời khuyên” này có động cơ riêng hay không, nhưng thực tế là đến nay, VN-Index đã sụt giảm tới 60% so với đầu 2008, “hàng hóa” ế ẩm, nhưng lượng mua vào vẫn chẳng cải thiện được tình hình.

Điều này cho thấy, một nguyên nhân quan trọng là: khi chưa giải quyết được những bất ổn vĩ mô thì thị trường chứng khoán vẫn chưa hồi phục, chứ không hẳn cứ IPO với giá thấp mới đem lại giá trị thực và đòn bẩy cho thị trường.

Chuẩn bị tốt, chờ cơ hội


Điều này càng có cơ sở bởi hiện nay, những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế bắt đầu xuất hiện: tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chững lại ở mức 2,14%, tỷ giá đi vào ổn định, vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm đạt trên 31,6 tỷ USD, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp nhiều triển vọng thắng lớn...

TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt cho ngày “ra chợ”, để “đón” sự hồi phục của thị trường trong nước và thậm chí cả thị trường quốc tế.

Vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?

“Các doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện quy trình trong cổ phần hóa như đánh giá tình hình tài chính, định giá doanh nghiệp, xác định cơ cấu sở hữu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và phương án phát hành để có thể sẵn sàng IPO khi thị trường thuận lợi”, ông Ánh nói.

Trên thực tế, rất nhiều tổng công ty và tập đoàn mới chỉ cổ phần hóa những đơn vị thành viên nhỏ nhưng Nhà nước vẫn còn nắm giữ phần vốn chi phối như Tập đoàn Dệt may, Dầu khí, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Hóa chất, Vinashin hoặc những ngân hàng quốc doanh lớn chuẩn bị cổ phần hóa như BIDV, Agribank, hứa hẹn cung thêm hàng có chất lượng cao cho thị trường trong nước hoặc phát hành ra quốc tế.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm đối với các đơn vị này mà trước tiên là xác định chiến lược, mục tiêu kinh doanh, làm lành mạnh hóa tình hình tài chính và đặc biệt là giải quyết dứt điểm những khoản nợ tồn đọng, nâng cao tính thanh khoản...

Một phương án khác được đánh giá là phù hợp trong tình hình thị trường hiện nay là phát hành ra thị trường quốc tế. Ông Tim Donahue, Trưởng Bộ phận phát triển sản phẩm nợ và đòn bẩy tài chính (Ngân hàng JP Morgan) nêu quan điểm: “Doanh nghiệp Việt Nam nên tính đến phương án phát hành ra thị trường nước ngoài trong lúc thị trường vốn trong nước gặp nhiều khó khăn”.

Các hình thức được ông Tim Donahue đưa ra bao gồm phát hành cổ phiếu, trái phiếu trước IPO; phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm quyền mua cổ phiếu hoặc các đảm bảo khác của công ty hoặc sử dụng các trái phiếu trả lãi cao.

Cùng quan điểm này, TS. Ánh cho rằng phát hành ra thị trường quốc tế cũng là một phương án cần tính tới trong thời điểm huy động vốn trong nước gặp bất lợi. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phát hành ra quốc tế chưa từng có đơn vị nào thực hiện, nên chúng ta cần có sự cân nhắc, nghiên cứu và tính toán thật kỹ.

Bởi theo ông, thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam chưa được xếp hạng trên thị trường quốc tế; thứ hai, chi phí cho việc phát hành ra nước ngoài ra rất lớn; thứ ba là chưa có một khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện; và thứ tư là minh bạch hóa thông tin theo chuẩn quốc tế (chuẩn kế toán, chuẩn công bố thông tin...) mà sự khác biệt giữa Việt Nam và thế giới là tương đối lớn.

Như vậy, không thể quan niệm: cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chỉ tiến hành khi thị trường thuận lợi mà phải có một quá trình chuẩn bị chu đáo, để không vuột mất cơ hội khi thời cơ đến.